Đồng chí Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu chỉ đạo Kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh khóa XVII
Tăng trưởng GRDP Hải Dương đứng thứ 23 cả nước
Phát biểu chỉ đạo kỳ họp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng nêu rõ
năm 2022 có nhiều biến động, khó khăn, đặc biệt là tác động tiêu cực của
đại dịch Covid-19, đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu hụt nguyên liệu đầu
vào... Song với chủ đề “Thích ứng linh hoạt, tăng trưởng bứt phá”, sự
đoàn kết, thống nhất cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, sự nỗ lực của
cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân trong tỉnh, Hải
Dương đã quyết liệt thực “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, bảo
vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Kết
quả thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đạt ở mức độ khá;
hoàn thành và hoàn thành vượt mức 9/16 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Hoạt
động dịch vụ phục hồi khá nhanh. Thực hiện tốt các chính sách xã hội và
ổn định đời sống nhân dân. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được
tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững...
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, đồng
chí Trần Đức Thắng cũng chỉ rõ một số hạn chế không nhỏ trong thực hiện
kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đó là 7/16 chỉ tiêu chưa đạt kế
hoạch, trong đó tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tăng 9% (đứng
thứ 23/63 tỉnh trong cả nước, thứ 8/11 vùng đồng bằng sông Hồng). Trong
khi đó, năm 2021, mặc dù cũng gặp nhiều khó khăn song GRDP của tỉnh
tăng 8,6%, đứng thứ 8 cả nước và thứ 2 vùng đồng bằng sông Hồng. Một số
nhiệm vụ rất quan trọng chậm hoàn thành so với yêu cầu tiến độ như: lập
Quy hoạch tỉnh; hỗ trợ đầu tư phát triển; đưa đất vào khai thác, sử
dụng; triển khai các đề án, dự án trong kế hoạch đầu tư công; định giá
đất một số dự án; thu hút đầu tư trong và ngoài nước giảm. Cơ sở vật
chất, giáo viên nhiều trường học chưa đáp ứng yêu cầu. Nhiều xã đạt
chuẩn nông thôn mới nhưng còn nợ tiêu chí. Ngành y tế gặp nhiều khó khăn
về trang thiết bị y tế, thuốc, cán bộ nhưng chậm được tháo gỡ.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng
nhấn mạnh những hạn chế, nguyên nhân và giải pháp phát triển kinh tế -
xã hội năm 2023 đã được Hội nghị 13 Ban Chấp hành tỉnh Đảng bộ tỉnh lần
thứ XVII vừa qua thảo luận sâu sắc. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xác định
năm 2023 là năm rất quan trọng, năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội
XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Kế hoạch
phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Ban Chấp hành Đảng bộ
tỉnh đã thống nhất 16 chỉ tiêu trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội năm
2023, trong đó phấn đấu tăng trưởng kinh tế (GRDP) trên 9%. Mục tiêu
tăng trưởng trên 9% là cơ sở quan trọng để hoàn thành, hoàn thành vượt
mức 15 chỉ tiêu còn lại. Nếu không giữ được mục tiêu này thì khả năng
không đạt mục tiêu tăng trưởng trong cả nhiệm kỳ 2020-2025. Đồng chí Bí
thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng khẳng định Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã
phân tích sâu sắc và có biện pháp quyết liệt để thực hiện mục tiêu tăng
trưởng 9% trong thời gian tới, đồng thời đề nghị kỳ họp HĐND tỉnh lần
này xem xét, quyết định.
Đổi mới hoạt động của HĐND tỉnh
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng
đề nghị các đại biểu tiếp tục nêu cao dân chủ, trí tuệ, thẳng thắn nhìn
nhận, đánh giá thực chất, khách quan, toàn diện những kết quả đạt được,
những hạn chế, chỉ rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan trong
việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm
2022. Thảo luận, quyết định các mục tiêu, chỉ tiêu, các giải pháp thực
hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023, làm
cơ sở hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ
tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 cần tiếp tục đổi mới theo
hướng chủ động, sáng tạo hơn nữa trong hoạt động giám sát, chất vấn và
trả lời chất vấn, quyết định các vấn đề quan trọng gắn với chức năng,
nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân, nhất là của người
đứng đầu. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tiếp xúc cử tri, tiếp
công dân, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Chú
trọng công tác chuẩn bị nội dung kỳ họp, bảo đảm đúng quy trình, nội
dung kỳ họp; xây dựng và thông qua các nghị quyết, công tác triển khai
thực hiện nghị quyết, việc giải quyết các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ
họp. Tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả trong hoạt động thẩm tra,
giám sát của các ban, đại biểu, các Tổ đại biểu HĐND tỉnh. Tiếp tục
tăng cường giữ mối liên hệ, phối hợp giữa HĐND, UBND, Đoàn Đại biểu Quốc
hội tỉnh, Ủy ban MTTQ để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong tỉnh,
đồng thời giữ mối liên hệ chặt chẽ các cơ quan của Quốc hội trong quá
trình hoạt động để tạo sự kết nối giữa Trung ương và địa phương, nâng
cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.