PGS.TS Đỗ Phú Trần Tình, Viện trưởng Viện Phát triển chính sách, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, ngày 18/11 báo cáo kết quả nghiên cứu về đời sống giáo viên mầm non và phổ thông khu vực Nam Bộ, thực nghiệm tại ba tỉnh Bình Thuận, Tây Ninh và Hậu Giang. Đây là đề tài khoa học cấp Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, được thực hiện trong tháng 9 và 10.
Ông Tình cho biết trong hơn 12.500 giáo viên được khảo sát, 25,4% thầy cô cho biết có dạy thêm trong trường và 8,2% dạy ngoài trường. Các môn dạy thêm chủ yếu là toán, văn, tiếng Anh, vật lý, hóa học. Giáo viên tiểu học dạy thêm trung bình 8,6 giờ một tuần, cấp THCS và THPT lần lượt là 13,75 và 14,91 giờ.
Theo nhóm nghiên cứu, các loại hình dạy thêm của giáo viên rất đa dạng, như dạy ở trường, tại nhà hoặc trung tâm; dạy online và trên các kho dữ liệu học tập mở.
"Tại trường chủ yếu là các hoạt động dạy phụ đạo, tăng tiết, ôn thi tốt nghiệp với sự thống nhất của trường và phụ huynh. Dạy thêm tại trung tâm chủ yếu rơi vào nhóm giáo viên môn ngoại ngữ. Ngoài ra, giáo viên còn dạy thêm trực tiếp hoặc online tại nhà, dù việc này vẫn đang bị cấm", trích báo cáo.
Phỏng vấn trực tiếp hơn 130 giáo viên và cán bộ quản lý, nhóm nghiên cứu cho biết nhiều thầy cô nhìn nhận hiện nay, học thêm là nhu cầu có thật và chính đáng. Ngoài xuất phát từ mong muốn cải thiện thành tích học tập của con em, nhiều phụ huynh không thể đón con kịp lúc tan trường nên muốn cho con học thêm để phù hợp với giờ làm việc của mình.
"Nhiều thầy cô đặt câu hỏi vì sao những ngành, nghề khác được làm thêm nhưng nghề giáo thì không, hay vì sao giáo viên dạy ở trường không được dạy thêm, còn giáo viên tự do có thể mở lớp. Đây là những câu hỏi cần có lời giải thích", nhóm nghiên cứu nêu vấn đề.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giáo viên không được dạy thêm ngoài nhà trường với học sinh chính khóa của mình nếu chưa được hiệu trưởng cho phép. Ngoài ra theo luật, công chức, viên chức không tổ chức kinh doanh, trong đó có giáo viên.
Bộ đang xây dựng dự thảo mới về việc này, dự kiến loại bỏ các thủ tục hình thức, chẳng hạn như yêu cầu xin phép hiệu trưởng để dạy học sinh của mình. Thay vào đó, thầy cô có thể dạy, nhưng cần lập danh sách học sinh, báo cáo hiệu trưởng và cam kết không bắt buộc các em dưới mọi hình thức. Đồng thời, giáo viên không sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh.
Trong nghiên cứu của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, hơn 63% giáo viên bày tỏ nguyện vọng được hợp pháp hóa việc dạy thêm, gồm cả dạy ở nhà và dạy online để tăng thu nhập chính đáng.
Thầy cô cho biết dù lương cơ sở đã tăng từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng, thu nhập từ nghề giáo chỉ đáp ứng một nửa (51,8%) nhu cầu chi tiêu hàng tháng của gia đình.
Việc dạy "chui" tại nhà, nhiều giáo viên thừa nhận làm tổn hại nghiêm trọng đến hình ảnh của nhà giáo trong mắt học sinh và xã hội. Song vì gánh nặng mưu sinh, họ buộc phải làm thế.
Kết quả phỏng vấn sâu ban giám hiệu cũng cho thấy hầu hết nhà quản lý biết giáo viên nào dạy thêm tại nhà hoặc mượn địa điểm khác nhưng "ngó lơ", trừ khi bị phụ huynh phản ánh.
Các nhà giáo cho rằng việc hợp pháp hóa dạy thêm ở nhà giúp giữ được hình ảnh cao quý của nghề giáo trong mắt học sinh và xã hội, "còn hơn làm các nghề tay trái ít liên quan đến nghề nghiệp".
Thời gian qua, nhiều đại biểu quốc hội và lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng học thêm là nhu cầu thực tế. Do đó, các bên đề xuất đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhằm tránh biến tướng, giúp thuận lợi trong quản lý, bảo đảm quyền lợi của cả thầy và trò.
Nguồn: VnExpress