Quốc hội sẽ họp bất thường để sửa luật liên quan đến tinh gọn bộ máy

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, dự kiến giữa tháng 2 Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ họp, đến cuối tháng 2 Quốc hội sẽ họp bất thường để sửa đổi một số điều các luật liên quan tới tinh gọn bộ máy, sắp xếp tổ chức của hệ thống chính trị.

Theo Chủ tịch Quốc hội, hiện các cơ quan Quốc hội đang tiến hành rà soát xem sửa các luật nào. Chẳng hạn một số luật như luật Tổ chức Quốc hội, luật Tổ chức Chính phủ, luật Tổ chức chính quyền địa phương.

tranthanhman.jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: Quốc hội

Ông lưu ý, trước mắt triển khai ngay các luật vừa thông qua, đảm bảo đi vào thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển và chuẩn bị các văn bản liên quan để sắp xếp tinh gọn bộ máy.

Trình bày báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội sau đó, Phó Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công cho biết, cử tri và nhân dân tin tưởng và đánh giá cao chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

“Việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là đòi hỏi rất cấp thiết của tình hình thực tiễn. Cử tri và nhân dân kỳ vọng việc thực hiện chủ trương trên sẽ tạo sinh lực mới cho nhiệm vụ bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, tạo đòn bẩy để bứt phá, hoàn thành toàn bộ các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng đã đề ra”, ông Công nhấn mạnh.

Cử tri và nhân dân mong muốn khi thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, cần quan tâm đến việc đảm bảo quyền lợi cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Nếu không có chính sách tốt e là người tốt lại ra khỏi khu vực công

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, dư luận nhân dân đồng tình chủ trương tinh gọn bộ máy nhưng cần tuyên truyền tốt hơn nữa.

“Chủ trương là như vậy nhưng khi đi vào sắp xếp là đụng chạm, ảnh hưởng đến quyền lợi người này, người kia, nếu chúng ta chỉ nghĩ rằng nhân dân đồng tình ủng hộ mà thiếu quan tâm đến công tác tuyên truyền sâu thì lúc đó phát sinh những việc ngoài dự tính rất khó cho việc thực hiện thắng lợi chủ trương này”, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

nguyenthithanh.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh. Ảnh: Quốc hội

Vì vậy, bà Thanh đề nghị làm tốt hơn nữa, sâu sắc hơn nữa công tác tuyên truyền, tạo đồng thuận cao trong hệ thống chính trị, cử tri và nhân dân cả nước trong việc thực hiện các chủ trương mới, trong đó có việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, việc xây dựng các đề án cần phải coi trọng cơ chế, chính sách hợp lý, thuận lợi cho đội ngũ cán bộ nằm trong diện sắp xếp, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Bà dẫn ví dụ như trước đây khi thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị (về tinh giản biên chế) cũng có một phần rất quan trọng là chế độ chính sách.

“Việc sắp xếp ngoài mục tiêu tinh gọn tổ chức bộ máy thì những người trong diện sắp xếp cũng là người dân, cũng là cán bộ; việc quan tâm đến đời sống của họ cũng là mục tiêu phấn đấu cho đất nước phát triển, người dân là người được thụ hưởng thành quả của sự nghiệp đổi mới”, bà Thanh nhấn mạnh.

Từ đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị báo cáo dân nguyện cần bổ sung nội dung về cơ chế chính sách hợp lý, thậm chí là phải có cơ chế thật mạnh và vượt trội so với trước đây để khuyến khích những người còn 2 - 4 năm làm việc có thể sẵn sàng nghỉ cho cán bộ trẻ, được đào tạo bài bản giữ lại trong hệ thống.

“Trước đây chúng ta đã nói xu hướng là chuyển từ khu vực công sang tư rất nhiều. Về tổng thể việc này không vấn đề gì. Nhưng nếu không có chính sách tốt, tôi e là người tốt lại ra khỏi khu vực công, còn người không tốt, trung bình thì ở lại", bà Thanh cảnh báo.

 
Nguồn: Vietnamnet