Hình ảnh thị xã Kinh Môn
Trong nhiều năm gần đây, Kinh Môn luôn là đơn vị có tốc độ trăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững tốp đầu của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt 12,1%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh, theo đúng định hướng. Năm 2021, tổng giá trị xuất đạt 54.261 tỷ đồng (giá so sánh 2010), đạt 101,6% kế hoạch, tăng 11,5% so với năm 2020; giá trị sản xuất nông - lâm - thuỷ sản 2.381 tỷ đồng, đạt 105,6% kế hoạch, tăng 7,7%; giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng 47.810 tỷ đồng, đạt 102,5% kế hoạch, tăng 12,7%; giá trị sản xuất dịch vụ 4.070 tỷ đồng, đạt 90,2% kế hoạch, tăng 1% so với năm 2020; cơ cấu lao động nông, lâm, thuỷ sản - công nghiệp, xây dựng - dịch vụ: 26,3% - 46,2% - 27,5%; Thu ngân sách huyện năm 1997 đạt 10 tỷ 723 triệu đồng, năm 2021 đạt 1.150 tỷ 897 triệu đồng, tăng 115 lần so với năm 1997. Thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh qua các năm, đời sống của nhân dân được nâng cao. Năm 1997 đạt 5,47 triệu đồng/người/năm, đến năm 2021 tăng lên 72,5 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 13,2 lần so với năm 1997.
Sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trở thành điểm sáng của tỉnh. Đồng đất Kinh Môn đã thực sự bừng tỉnh và khởi sắc, nhiều mô hình sản xuất hàng hóa theo hướng liên kết, chuỗi giá trị và các vùng sản xuất tập trung. Giá trị sản xuất nông lâm thuỷ sản năm 2021 đạt 1.706 tỷ đồng (năm 1997 chỉ đạt 705,7 tỷ đồng). Giá trị thu nhập bình quân trên 1ha canh tác năm 2021 đạt 265 triệu đồng. Thị xã cũng là địa phương có nhiều sản phẩm nông sản nổi tiếng, đạt tiêu chuẩn OCOP, thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam nhất của tỉnh. Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tiếp tục được quan tâm, đầu tư. Tháng 11/2017 Thủ tướng Chính phủ Quyết định công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới (là huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Hải Dương, về đích trước 3 năm so với Nghị quyết Đại hội đề ra). Đến năm 2021 có 3 xã đạt NTM nâng cao, 1 xã đạt NTM kiểu mẫu tốp đầu của tỉnh.
Kinh Môn là trọng điểm về công nghiệp của Tỉnh Hải Dương. Giá trị sản xuất công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế (năm 1997 chiếm 69,19%, năm 2021 chiếm 85,18%), hằng năm đóng góp khoảng 30% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Sản phẩm công nghiệp năm 1997 chủ yếu là đá xây dựng, xi măng, vôi, quặng bô xít. Nếu như ngày đầu tái lập, số lượng công ty, doanh nghiệp chỉ đếm trên đầu ngón tay thì đến nay, thị xã có trên 1 nghìn doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp mở rộng dự án, đầu tư, nâng công suất, tăng sản lượng, như: Khu liên hợp gang thép Hòa Phát, Công ty Vicem xi măng Hoàng Thạch, Nhà máy nhiệt điện BOT Hải Dương, Tập đoàn Thành Công, Công ty TNHH Phú Tân, Công ty may Nam Lee.v.v... song song với phát triển công nghiệp, nông nghiệp cũng được chú trọng, diện mạo nông thôn được đổi thay, đồi sống vật chất tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng cao.
Với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, từ nguồn ngân sách nhà nước và huy động đóng góp trong dân đã đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, hệ thống hạ tầng cơ sở được đầu tư nâng cấp từng bước hiện đại, đáp ứng kịp thời sản xuất và sinh hoạt của nhân dân cũng như công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của các cấp uỷ đảng chính quyền các cấp. 25 năm qua, được sự quan tâm của Tỉnh uỷ - HĐND – UBND tỉnh, sự nỗ lực của cấp uỷ, chính quyền địa phương, Kinh Môn đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng các công trình trọng điểm: trụ sở làm việc của các cơ quan Đảng, chính quyền các cấp; đường giao thông; trường học; cơ sở y t ế; văn hoá…. Đồng thời quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản, công tác bảo vệ môi trường. Dấu ấn về bước chuyển mình mạnh mẽ của quê hương Kinh Môn, ngày 15/3/2019 toàn huyện Kinh Môn được Bộ Xây dựng công nhận đạt tiêu chí đô thị Loại IV; Ngày 11/9/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 768/NQ-UBTVQH14 về thành lập thị xã Kinh Môn và các phường, xã thuộc thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.
Thực hiện đồng bộ việc gắn kết phát triển kinh tế với phát triển văn hóa; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa. Quần thể di tích An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt; hệ thống văn bia Ma Nhai động Kính Chủ là bảo vật Quốc gia. Hoạt động văn nghệ, thể thao, thông tin truyền thông phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị và nhu cầu của nhân dân.
Lĩnh vực giáo dục đào tạo có nhiều tiến bộ vượt bậc; mạng lưới quy mô trường lớp ổn định và đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân trên địa bàn thị xã; Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia được quan tâm thực hiện, duy trì 60/79 trường chuẩn quốc gia, đạt 75,9%. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo và thực hiện chính sách an sinh xã hội đạt nhiều kết quả thiết thực; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,25%.
Công tác tôn giáo được quan tâm chỉ đạo, thực hiện; quốc phòng được củng cố và tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững. Chất lượng thanh tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được nâng lên, giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc trong nhân dân; không xảy ra khiếu kiện đông người trên địa bàn.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt được kết quả quan trọng. Công tác bảo vệ chính trị nội bộ được quan tâm. Nâng cao chất lượng công tác tổ chức, xây dựng Đảng, tỉ lệ tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ hằng năm đạt 89,23% (vượt 9,23%); trung bình mỗi năm kết nạp 186 đảng viên. Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường; thi hành kỷ luật trong Đảng đảm bảo nghiêm minh, chính xác, kịp thời. Công tác dân vận được coi trọng, tạo được sự đồng thuận, chung sức của các tầng lớp nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của thị xã. Công tác nội chính và phòng chống tham nhũng, lãng phí được tích cực chỉ đạo.
Hoạt động của Hội đồng nhân dân thị xã và cơ sở có nhiều đổi mới; phát huy hiệu lực, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của chính quyền. Quan tâm chỉ đạo thực hiện cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính góp phần công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, nâng cao chất lượng công vụ của công chức. Nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục được đổi mới, hoạt động giám sát và phản biện xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng được củng cố vững chắc.
Trong 25 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Kinh Môn đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, được Nhà nước tặng thưởng các danh hiệu cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, Hạng Ba; được tặng Cờ và nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Đảng bộ và nhân dân Thị xã Kinh Môn tiếp tục kế thừa, phát huy những thành tựu đã đạt được quyết tâm đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, phát huy dân chủ, không ngừng đổi mới, tập trung nguồn lực xây dựng thị xã Kinh Môn đạt đô thị loại III trước năm 2025, trở thành thành phố trước năm 2030, góp phần xây dựng tỉnh Hải Dương sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2035./.