KẾ THỪA VÀ PHÁT TRIỂN QUYỀN CON NGƯỜI, QUYỀN DÂN TỘC
Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776 và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm
1789 được ra đời từ sau cuộc đấu tranh giành độc lập của 13 bang thuộc
địa Anh ở Bắc Mỹ và cuộc đại cách mạng tư sản Pháp. Trên cơ sở kế thừa
những tư tưởng tiến bộ thời kỳ Khai sáng, hai bản Tuyên ngôn là những lời
khẳng định đầy sức thuyết phục về quyền con người, quyền dân tộc, về
nguyên tắc “chủ quyền nhân dân” trong cuộc đấu tranh chống lại chế độ
phong kiến chuyên chế hướng con người vươn tới các giá trị dân chủ, giá trị nhân văn cao cả về tự do, bình đẳng, bác ái.
Các
bản Tuyên ngôn khẳng định những quyền con người cơ bản nhất đó là quyền
sống, quyền tự do, quyền bình đẳng, quyền tư hữu tài sản. Đó là “quyền tự nhiên, không thể chuyển nhượng và bất khả xâm phạm của mỗi con người”(1).
Trong bản Tuyên ngôn độc lập nước Mỹ,
tác giả Thomas Jefferson khẳng định các nước thuộc địa phải có quyền là
quốc gia tự do và độc lập và từ việc xóa bỏ quyền thống trị của thực
dân Anh, cuộc đấu tranh vì nền độc lập của các bang thuộc địa ở Bắc Mỹ
cũng nhằm tới tranh đấu cho các quyền tự nhiên của riêng mỗi con người.
Với những giá trị to lớn như vậy hai bản Tuyên ngôn đánh mốc dấu son
trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và giải phóng con người. Đó
là bản Tuyên ngôn mang đậm giá trị nhân văn, nhân bản, là nền tảng để
xây dựng các bản Hiến pháp dân chủ tiến bộ của nước Pháp, nước Mỹ sau
đó.
Bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền
của cách mạng Pháp năm 1791 cũng nêu rõ: “Người ta sinh ra tự do và
bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về
quyền lợi”(2).
Trong Tuyên ngôn độc lập
năm 1945 của Việt Nam, từ những dòng đầu tiên, Hồ Chí Minh đã trích dẫn
những câu nổi tiếng nhất trong hai bản Tuyên ngôn lịch sử đó với thái
độ rất trân trọng: “Tất
cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. tạo hóa cho họ những quyền
không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được
sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc…”. Ở đây, Hồ Chí Minh đã xuất
phát từ những giá trị nhân văn cao cả, mang tính phổ quát toàn nhân
loại làm cơ sở, mục tiêu cho cuộc đấu tranh của dân tộc Việt Nam. Từ đó,
Người khẳng định cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam cũng là
nhằm thực hiện những quyền chính đáng, thiêng liêng không ai có thể xâm
phạm, là sự tiếp nối của lá cờ giải phóng dân tộc, giải phóng con người
mà các cuộc cách mạng Pháp, cách mạng Mỹ đã giương cao.
Chủ
tịch Hồ Chí Minh đã có sự kế thừa và mở rộng, phát triển vượt bậc những
giá trị của các bản Tuyên ngôn trước đó trong thời đại mới. Trong Tuyên ngôn độc lập
của nước Mỹ, nguyên bản câu “tất cả mọi người” là “tất cả đàn ông” (All
men). Nguyên bản của câu đó là đặt trong bối cảnh nước Mỹ những năm
cuối thế kỉ XVIII khi chế độ nô lệ còn tồn tại, sự phân biệt và kỳ thị
chủng tộc rất nặng nề, những người đàn ông có quyền mà Tuyên ngôn đề cập
đến chỉ là những người đàn ông da trắng. Như vậy, các quyền cơ bản của
con người, quyền vốn có ấy lại không dành cho tất cả mọi người, mà chỉ
dành cho đàn ông da trắng. Còn với Hồ Chí Minh, Người khẳng định một
cách rõ ràng, quyền là dành cho “tất cả mọi người”, không phân biệt địa
vị, thành phần, tôn giáo, giới
tính, sắc tộc. Đó là sự mở rộng tuyệt đối, đem lại những giá trị to lớn
và phù hợp với sự phát triển tiến bộ của nhân loại.
Cũng
từ việc khẳng định đạo lý và chính nghĩa của nhân loại, Hồ Chí Minh đã
vạch trần bộ mặt giả dối, bản chất tàn bạo của chủ nghĩa thực dân Pháp.
Trong Tuyên ngôn độc lập, Người đã khái quát một cách sâu sắc
tội ác của thực dân Pháp trong gần 100 năm cai trị ở đất nước ta trên
tất cả các mặt, đặc biệt là việc
chà đạp, tước đoạt quyền các quyền tự nhiên của con người, của dân tộc.
Và từ đó, Người khẳng định: trong thời đại mới, không chỉ chế độ phong
kiến chuyên chế mà chủ nghĩa thực dân với bản chất tàn bạo của nó cần
được xóa bỏ, để bảo vệ quyền và nhân phẩm của con người. Khi còn chủ
nghĩa thực dân, còn tình trạng dân tộc này áp bức, nô dịch dân tộc khác
thì chắc chắn quyền con người ở các dân tộc thuộc địa, phụ thuộc bị chà
đạp, không được ghi nhận và thực hiện.
Một điểm đáng chú ý nữa là từ quyền của con người, Hồ Chí Minh đã suy rộng ra quyền dân tộc “các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”(3). Từ quyền con người, Người suy rộng ra quyền dân tộc cũng là quyền tự nhiên, thiêng liêng “là lẽ phải không ai chối cãi được”(4). Nếu
như trong bản Tuyên ngôn của nước Mỹ đã đề cập đến cả quyền con người,
quyền dân tộc, thì đến bản Tuyên ngôn của Việt Nam đã gắn kết hai phạm
trù pháp lý cơ bản này trong mối liên hệ biện chứng, chặt chẽ với nhau.
Dân tộc độc lập là điều kiện tiên quyết để bảo đảm quyền con người và
ngược lại thực hiện quyền con người chính là phát huy những giá trị cao
cả và ý nghĩa thật sự của độc lập dân tộc. Quyền con người cao nhất
chính là được sống trong đất nước tự do, là công dân của một nước độc
lập.
Bên cạnh
đó, Hồ Chí Minh đã mở rộng nội hàm khái niệm quyền dân tộc cả chiều rộng
và chiều sâu, mà các bản Tuyên ngôn trước chưa đề cập đến. Xuất phát từ
hoàn cảnh nước Việt Nam thuộc địa vừa mới giành độc lập và bối cảnh
lịch sử quốc tế bấy giờ, Hồ Chí Minh khẳng định: quyền dân tộc không chỉ
là quyền dân tộc tự quyết, mà còn là quyền bình đẳng, quyền tự do,
quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Độc
lập dân tộc đã gắn bó mật thiết với các nguyên tắc dân tộc bình đẳng và
tự quyết, với quyền sống và quyền hạnh phúc của mỗi dân tộc. Hơn nữa,
quyền độc lập, bình đẳng ở đây phải được xác lập trong mối quan hệ với
tất cả các nước trên thế giới, không phân biệt lớn nhỏ, mạnh yếu hay
khác nhau về thể chế chính trị. Vì thế, Tuyên ngôn độc lập
không còn chỉ dành riêng cho dân tộc Việt Nam mà đó còn là sự cổ vũ,
lời khẳng định thiêng liêng của tất cả các dân tộc trên thế giới, đặc
biệt là các dân tộc nhỏ yếu đang chịu sự cai trị của chủ nghĩa thực dân.
Từ
quyền con người suy rộng ra quyền dân tộc, Tuyên ngôn độc lập đã góp
phần tạo lập và khẳng định một nền pháp lý và công lý mới của văn minh
nhân loại, hướng tới công bằng, bình đẳng, xóa bỏ ách áp bức, bóc lột,
bất công trên bình diện quốc gia và quốc tế. Công lý ấy về sau không chỉ
trở thành nguyên tắc lập hiến của Việt Nam, của nhiều quốc gia khác mà
trở thành điều khoản pháp lý quốc tế khi nó đã được ghi vào Liên hợp
quốc với các công ước quốc tế liên quan đến chủ quyền quốc gia, về quyền
độc lập dân tộc và quyền tự quyết.
Hai
bản Tuyên ngôn nước Pháp, nước Mỹ đề cập đến quyền con người, quyền dân
tộc là quyền thiêng liêng, là một tất yếu của tạo hóa. Nhưng là người
dân của một nước thuộc địa, Hồ Chí Minh thấu hiểu sâu sắc rằng quyền
thiêng liêng, vốn có ấy không phải tự nhiên mà có được, mà phải đổ máu,
hy sinh, phải đấu tranh với quyết tâm “ thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”(5). Đứng
trước những thử thách khắc nghiệt của lịch sử, một dân tộc không biết
đấu tranh cho độc lập, tự do thì cũng không xứng đáng được hưởng nền độc
lập, tự do. Bản Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập… Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”(6).
Dân tộc đó còn có quyết tâm sắt đá “đem tất cả tinh thần và lực lượng,
tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy!”(7).
Sự ra đời của Tuyên ngôn độc lập
thực sự là một mốc son trong lịch sử của dân tộc Việt Nam, cũng như
trong cuộc đấu giải phóng của các dân thuộc địa. Nếu hai bản Tuyên ngôn
của Pháp và Mỹ đánh dấu mốc quan trọng trong cuộc đấu tranh chống chế độ
phong kiến, trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng con người; thì Tuyên
ngôn độc lập báo hiệu một thời đại mới, thời đại giải phóng các dân tộc
khỏi ách áp bức của chủ nghĩa thực dân trên quy mô toàn thế giới; thời
đại của các dân tộc bị áp bức, bóc lột giành lại quyền sống, quyền độc
lập, tự do.
KẾ THỪA VÀ PHÁT TRIỂN NGUYÊN TẮC VỀ CHỦ QUYỀN NHÂN DÂN
Tiếp thu những tư tưởng tiến bộ trong tác phẩm Khế ước xã hội của Jean Jacques Rousseau, Tuyên ngôn độc lập của Mỹ khẳng định chân lý: “Rằng
để đảm bảo cho những quyền lợi này, các chính phủ được lập ra trong
nhân dân và có được những quyền lực chính đáng trên cơ sở sự nhất trí
của nhân dân”(8). Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền
của Pháp đã chỉ ra “sự thiếu hiểu biết, hờ hững hoặc coi thường những
quyền của con người chính là nguyên nhân duy nhất dẫn đến những tai họa
của cộng đồng, và dẫn đến sự thối nát của các chính quyền... Mục đích
của tất cả các tổ chức chính trị là bảo vệ các quyền tự nhiên và bất khả
xâm phạm của con người”(9). Sự cần thiết của việc xây dựng
chính quyền nhân dân, hoạt động vì mục tiêu cao nhất bảo vệ quyền con
người, vì hạnh phúc con người đã được khẳng định trong hai bản Tuyên
ngôn lịch sử này. Hơn thế nữa “bất cứ khi nào một thể chế chính quyền
nào đó phá vỡ những mục tiêu này, thì nhân dân có quyền thay đổi hoặc
loại bỏ chính quyền đó và lập nên một chính quyền mới, đặt trên nền tảng
những nguyên tắc cũng như tổ chức thực thi quyền hành theo một thể chế
sao cho có hiệu quả tốt nhất đối với an ninh và hạnh phúc của họ”(10).
Cuộc Cách
mạng Tháng Tám ở Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo không chỉ là
cuộc cách mạng làm nhiệm vụ giải phóng dân tộc, xóa bỏ xiềng xích nô lệ
của thực dân Pháp và của phát xít Nhật. Cuộc cách mạng ấy đồng thời thực
hiện nhiệm vụ lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế tồn tại ngót gần 1.000
năm. Việt Nam từ một nước thuộc địa, phong kiến đã trở thành một nước
độc lập, theo chế độ Dân chủ Cộng hòa.
Trong Tuyên ngôn độc lập,
Hồ Chí Minh thể hiện rất rõ chủ thể của cuộc cách mạng chính là nhân
dân, thành quả cách mạng đạt được do nhân dân làm ra và nhân dân là
người bảo vệ thành quả đó: “Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân
gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh
đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỉ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hoà”. Có thể nói, đến đây nguyên tắc “chủ
quyền nhân dân” với ý nghĩa nhân dân là chủ thể nước Việt Nam mới, của
chế độ Dân chủ Cộng hòa đã được Hồ Chí Minh khẳng định rõ ràng. Hơn nữa,
khái niệm nhân dân mà Hồ Chí Minh sử dụng không bó hẹp trong giai cấp,
tầng lớp nào mà là mọi người dân Việt Nam yêu nước, không phân biệt giới
tính, địa vị, tôn giáo, giai cấp.
Chế độ Dân chủ Cộng hòa được Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn là chế độ thực hành nguyên tắc “chủ
quyền nhân dân” một cách triệt để và thực chất. Đó là chế độ lập ra từ
thành quả đấu tranh của nhân dân, được xây dựng theo ý nguyện của các
tầng lớp nhân dân, hướng tới mục tiêu cao cả “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” cho nhân dân. Tư
tưởng này của Người sau đó được thể hiện rõ nét trong Hiến pháp 1946 -
bản Hiến pháp dân chủ đầu tiên của Việt Nam do Người làm Trưởng ban soạn
thảo: “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam
không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”.
Điều 7 trong Hiến pháp ghi nhận quyền chính trị của công dân: Tất cả
công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tham gia chính
quyền và công cuộc kiến quốc tùy theo tài năng và đức hạnh của mình.
Nhân dân có quyền quyết định những công việc trọng đại của đất nước cũng
như bãi miễn các đại biểu mình đã bầu ra.
Có thể nói, ra đời sau hai bản Tuyên ngôn lịch sử của nhân loại hơn một trăm năm, trong bối cảnh lịch sử mới, bản Tuyên ngôn độc lập
của Việt Nam đã kế thừa, chắt lọc phát triển giá trị căn cốt, mang tính
bền vững và phổ quát nhất của hai bản Tuyên ngôn trước đó. Với những
giá trị đó, Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam không chỉ là lời
tuyên bố độc lập, khai sinh cho một Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
theo đuổi mục tiêu “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”, mà còn đóng góp quan
trong cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người
và vì hạnh phúc của con người.
__________________________________________
(1) (7) (8) (9) Nguyễn Văn Út: 9 bản Tuyên ngôn nổi tiếng thế giới, Nxb. Văn hóa thông tin, H, 2006, tr. 125, 126, 285, 286.
(2) (3) (4) (5) (6) (10) (11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t. 4, tr. 1, 1, 1, 534, 1, 3, 3.
Theo tuyengiao.vn