Việc Mỹ triển khai vũ khí nguyên tử trên
lãnh thổ của các thành viên NATO không sở hữu vũ khí hạt nhân đi ngược
lại Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), làm tăng nguy cơ xung
đột và cản trở nỗ lực giải trừ vũ khí.
Theo đài RT (Nga), tuyên bố trên do phái
đoàn Nga chuyển đến hội nghị Liên hợp quốc về không phổ biến hạt nhân ở
New York hôm 10.8.
“NATO đã công khai tuyên bố tổ chức này
là một liên minh hạt nhân. Có những vũ khí hạt nhân của Mỹ bố trí trên
lãnh thổ của các nước không sở hữu hạt nhân trong NATO”, ông Igor
Vishnevetsky, Phó Giám đốc phụ trách Cơ quan kiểm soát vũ khí và giải
trừ hạt nhân tại Bộ Ngoại giao Nga cho biết.
Ông Vishnevetsky nhận định điều này đã
vi phạm Điều I và II của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, khi
các quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân trong NATO tham gia “thử
nghiệm thực tế” vũ khí hạt nhân. Ông cho rằng những hành động đó không
chỉ tiếp tục là nhân tố ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh châu Âu và quốc
tế, mà còn tăng nguy cơ xung đột hạt nhân nói chung và là trở ngại với
những nỗ lực giải trừ hạt nhân.
Phát biểu tại hội nghị Liên hợp quốc,
quan chức Nga nhấn mạnh lập trường của Moskva là “Mỹ phải rút vũ khí hạt
nhân khỏi lãnh thổ của các quốc gia trên. Đồng thời, loại bỏ cơ sở hạ
tầng cho việc triển khai của chúng ở châu Âu và chấm dứt sứ mệnh hạt
nhân chung của NATO.
Ước tính, hiện nay không quân Mỹ có 150 quả bom hạt nhân tại các căn cứ của NATO ở Italy, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Bỉ và Hà Lan.
Quan chức Nga cũng đề cập đến thỏa thuận
AUKUS được ký kết hồi tháng 9/2021. Thỏa thuận cho phép Mỹ và Anh cung
cấp các tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử cho Australia. Ông
Vishnevetsky nói rằng mối quan hệ hợp tác này có thể “tạo tiền đề cho
việc bắt đầu một cuộc chạy đua vũ trang mới ở khu vực châu Á - Thái Bình
Dương”.
Việc yêu cầu Mỹ rút vũ khí nguyên tử
khỏi các quốc gia NATO không sở hữu vũ khí hạt nhân là một trong những
kế hoạch quan trọng trong đề xuất an ninh của Nga, đã được trình lên Mỹ
và NATO vào tháng 12/2021. Song cả Washington và NATO đều không đề cập
đến vấn đề này trong các phản hồi mà họ gửi tới Moskva vào tháng 1.
Cũng tại hội nghị, Ngoại trưởng Mỹ
Antony Blinken đã cáo buộc Nga “liều lĩnh đe dọa hạt nhân nhằm vào những
bên ủng hộ quyền tự vệ của Ukraine”. Nhà ngoại giao Nga Andrey Belousov
đáp trả rằng Moskva đã đặt lực lượng hạt nhân trong cảnh báo để ngăn
chặn sự gây hấn của NATO và ngăn chặn cuộc xung đột ở Ukraine leo thang
thành chiến tranh hạt nhân.
Ông Belousov cũng nhắc đến các tuyên bố
của các quan chức Mỹ về các cuộc đàm phán mới về kiểm soát vũ khí chiến
lược với Moskva. Ông nói rằng cho đến nay, Nga chỉ nhận được những thông
báo mang tính tuyên bố mà chưa hề có đề xuất cụ thể.