Trong lịch sử dân tộc, tầng lớp Nho sĩ
Việt Nam đã đóng góp to lớn trong sự nghiệp củng cố và phát triển đất
nước. Các nhà nước phong kiến Việt Nam luôn dành cho họ vị trí xứng đáng
trong xã hội.
Văn miếu Mao Điền, trường thi hương tại trấn Hải Dương xưa
Hệ thống các di tích Nho học là một bộ
phận quan trọng trong kho tàng di sản Việt Nam. Trải qua hàng nghìn năm
lịch sử, Nho học đã để lại cho hậu thế kho tàng tri thức phong phú với
nhiều di sản quý. Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản đặc biệt này
góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, khơi dậy
truyền thống "uống nước nhớ nguồn", tinh thần ham học, cầu tiến của
người dân.
Trong lịch sử dân tộc, tầng lớp Nho sĩ Việt Nam đã đóng góp to lớn trong
sự nghiệp củng cố và phát triển đất nước. Các nhà nước phong kiến Việt
Nam luôn dành cho họ vị trí xứng đáng trong xã hội. Hệ thống di tích thờ
tự danh nho trên khắp mọi miền đất nước đã ra đời.
Những năm gần đây, các địa phương, dòng họ thường xuyên làm lễ tri ân
các bậc tiên hiền khoa bảng, tổ chức các hoạt động khuyến học tại các di
tích Nho học, hướng con cháu noi gương các vị tiên hiền khoa bảng. Với
các địa phương, dòng họ, di tích Nho học luôn là niềm tự hào của nhiều
thế hệ. Tại các di tích Nho học lớn, người quản lý thường xuyên tổ chức
những hoạt động thu hút học sinh, sinh viên đến tham quan, học tập ngoại
khóa, tổ chức các cuộc thi... Nho học hiện nay không còn đóng vai trò
chính trong nền giáo dục nước nhà nhưng truyền thống hiếu học của người
Việt Nam vẫn đang được tiếp nối. Bảo tồn các giá trị di sản văn hóa của
Nho học chính là giữ gìn truyền thống của cha ông, hun đúc thêm tinh
thần hiếu học cho các thế hệ sau.
Hải Dương là vùng đất địa linh - nhân kiệt, có số lượng di tích Nho học
tương đối lớn. Tiêu biểu là Văn miếu Mao Điền - trường thi hương tại
trấn Hải Dương xưa. Hải Dương cũng là nơi sản sinh ra 486 tiến sĩ trong
tổng số 2.089 tiến sĩ của cả nước, riêng làng Mộ Trạch có 39 tiến sĩ.
Đến năm 2020, tại Hải Dương có 147 di tích Nho học, trong đó có một số
di tích tiêu biểu như: Đền Phượng Hoàng thờ Chu Văn An, đền thờ tiến sĩ
Nguyễn Thị Duệ, Văn miếu Mao Điền, đền Long Động, miếu Mộ Trạch...
Tuy nhiên, nhiều di tích liên quan đến Nho học hiện nay đã xuống cấp,
cần trùng tu, bảo quản. Nhiều di tích đã bị hủy hoại hoàn toàn, chỉ còn
lại dấu vết mặt bằng hoặc một bộ phận kiến trúc. Đa số di tích Nho học
đều được xây dựng hàng trăm, hàng nghìn năm. Những di tích đều được xây
dựng bằng gỗ truyền thống rất dễ bị hư hại, mối mọt. Ngoài ra, sự tàn
phá của chiến tranh, thiên tai, kiến thức về di tích Nho học còn hạn chế
dẫn đến một số việc làm không đáng có trong quá khứ như cưa câu đối đại
tự làm bàn ghế, cửa sổ; lấy bia đá làm cầu ao hay để ngoài mưa nắng...
Đây thực sự là câu chuyện buồn trong công tác bảo tồn và phát huy giá
trị di tích Nho học.
Di tích Nho học trên địa bàn tỉnh là một thành tựu đáng tự hào của nền
văn hiến tỉnh nhà, cần được nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê; phát triển sản
phẩm du lịch-văn hóa phù hợp tại các di tích, trong đó có di tích Nho
học. Để làm được điều này, cần đẩy mạnh tuyên truyền về tác dụng của hệ
thống di tích Nho học trong việc tôn vinh truyền thống hiếu học. Tăng
cường quản lý các di tích, đầu tư kinh phí cho tu bổ, phục hồi di tích.
Trong công tác quản lý di tích, đội ngũ cán bộ cần am hiểu Nho giáo và
nghiệp vụ di sản, được đào tạo về Hán nôm. Các ngành liên quan cần khảo
sát, đánh giá lại toàn bộ hệ thống di tích Nho học, nghiên cứu, xếp hạng
các di tích, đưa di tích Nho học vào tuyến tham quan du lịch tại các
địa phương. Cần đa dạng hóa các hoạt động, mở cửa di tích, tạo sự thu
hút đối với cộng đồng để các di tích Nho học không chỉ là nơi tôn vinh
Nho giáo mà còn là nơi tôn vinh việc học tập, giáo dục, tổ chức các hoạt
động văn hóa - xã hội thiết thực tại địa phương...