“Đến
cổng trường, Tổng Bí thư xuống xe, tôi vội bước ra đón. Khi ấy, sức
khỏe của Tổng Bí thư không được tốt. Tôi liền nắm lấy bàn tay ông, cùng
ông bước đi. Chợt, Tổng Bí thư nghiêng đầu, khẽ giọng nói với tôi: “Em
với thầy cùng dắt tay nhau đi”. Đó là kỷ niệm không bao giờ tôi quên
trong cuộc đời”, ông Lê Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia
Thiều (quận Long Biên, Hà Nội) kể lại.
Bồi hồi nhắc lại chuyện
cũ, ông Lê Trung Kiên cho biết, những kỷ niệm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú
Trọng vẫn luôn trong trái tim ông, đặc biệt là trong dịp nhà trường tổ
chức lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập (14/11/2020).
“Tôi được gặp
mặt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để mời ông về tham dự buổi lễ. Thật
không ngờ, ông dành cho tôi khá nhiều thời gian dù rất bận công việc.
Điều lạ lùng là trong suốt cuộc trò chuyện, Tổng Bí thư gọi tôi bằng
thầy, còn ông xưng em, giống như một người học trò. Ngoài những câu
chuyện về trường, Tổng Bí thư còn hỏi tôi xem trường có mời các thầy cô
giáo và học sinh cũ không? Khi tôi nói có mời, nét mặt ông rất vui và
hạnh phúc. Sự tế nhị, khiêm nhường của vị lãnh đạo cao nhất của Đảng và
Nhà nước thật hiếm có”, ông Lê Trung Kiên xúc động nói.
Năm
đó, Tổng Bí thư đã về trường dự lễ kỷ niệm với tư cách một học sinh cũ.
Trong trí nhớ của các cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường THPT Nguyễn
Gia Thiều, ông xuất hiện với hình ảnh thật giản dị, phong cách gần gũi,
không hề nhìn thấy sự quan cách của một vị lãnh đạo cấp cao. Cách xưng
em gọi thầy của ông với thầy giáo chủ nhiệm cũ cũng khiến nhiều người từ
ngỡ ngàng đến cảm phục. Trong câu chuyện, từng lời nói, nụ cười của
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn toát lên lòng biết ơn và trân trọng
những thầy giáo, cô giáo đã dạy dỗ, giáo dục, góp phần hình thành nên
nhân cách của ông cùng những tình cảm thân thiết với ngôi trường mang
tên danh nhân Nguyễn Gia Thiều.
Trong căn phòng truyền thống của
Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, những hình ảnh về hoạt động của cậu học
trò - anh thanh niên - nhà lãnh đạo Nguyễn Phú Trọng được nhà trường
trưng bày trang trọng. Trong số đó là bức ảnh Lớp trưởng, Bí thư Chi
đoàn 9B, 10B Nguyễn Phú Trọng với nụ cười hiền từ; bức ảnh chụp học trò
Nguyễn Phú Trọng với những người bạn thân thiết: Ngô Bá Dục, Hoàng Văn
Tài; bức ảnh chụp đồng chí Nguyễn Phú Trọng với các bạn đồng khóa và còn
có cả những bức ảnh Tổng Bí thư về thăm trường, trao quà tặng học sinh
Trường THPT Nguyễn Gia Thiều đạt điểm cao trong kỳ thi tuyển sinh đại
học...
Lục lại cuốn đăng bộ của nhà
trường đã ố vàng, ông Lê Trung Kiên nghẹn ngào đọc những lời nhận xét
của giáo viên về học trò Nguyễn Phú Trọng trước khi ra trường: “Được xếp
loại A2. Giỏi. Học giỏi đều các môn; có tinh thần tranh thủ học tập;
nhiệt tình trong lao động; có tinh thần trách nhiệm cao trong công tác;
có nhiều đóng góp xây dựng tập thể tốt; tư cách tốt, thái độ với thầy và
bạn tốt. Đáng khen”.
“Những câu chuyện về thời niên thiếu đầy
khó khăn, vất vả cùng những thành tích học tập xuất sắc của Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng luôn được nhà trường kể lại trong những buổi sinh hoạt
chuyên đề, lấy đó làm động lực để thầy và trò cùng phấn đấu. Có thể nói,
Tổng Bí thư chính là điểm tựa tinh thần của nhà trường chúng tôi”, ông
Lê Trung Kiên chia sẻ.
Câu chuyện về cậu học trò Nguyễn Phú Trọng
hiền lành, thông minh, chịu khó còn được thầy giáo Vũ Ngọc Huỳnh kể lại
say sưa. “Ngày ấy, tôi dạy môn toán lớp 6 có học trò Trọng cùng với một
số em nữa từ Đông Anh sang học. Các em ấy đều có hoàn cảnh gia đình
nghèo lắm, phải mang gạo sang, ở nhờ nhà dân, nhà thầy giáo, rồi còn
phải ra sông Hồng vớt củi về tự nấu cơm ăn, thế mà em nào cũng học giỏi,
ngoan ngoãn, có ý chí phấn đấu. Trong bài thơ của mình, em Ngô Bá Dục
đã viết thế này: Nhớ chiều ăn trộm ổi xanh/Thay cơm bữa tối, học hành
vẫn chăm/Sông Hồng nước lũ băng băng/Bơi ra vớt củi, kiếm dần cái
đun”...
Có 6 năm học phổ thông tại ngôi trường mang tên Nguyễn
Gia Thiều, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn có tên trong các cuộc thi
học sinh giỏi của thành phố, đặc biệt là môn văn. Khi đang học lớp 10,
ông đã làm cho các bạn ngạc nhiên với bài thuyết trình dài trong các
buổi ngoại khóa về một đề tài xã hội mà ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa
tới” ít ai quan tâm. Đó là: Thân phận của người nông dân trong tác phẩm
“Tắt đèn” của Ngô Tất Tố, “Bỉ vỏ” của Nguyên Hồng, thân phận của người
phụ nữ trong thơ của Tố Hữu. Có lẽ, ngày từ thuở ấy, ông đã thấm cái đau
của nỗi đau con người, đã khắc khoải với tốt - xấu, mất - còn.
“Làm gì đây cho đời thêm ý nghĩa
Năm cuối cùng của đời học phổ thông
Hay cứ để cuộc đời trôi lặng lẽ
Theo thời gian tẻ ngắt, lạnh lùng?”
Bài
thơ “Năm cuối cùng của đời học phổ thông” ông viết vào tháng 9/1962
nhân đầu năm học mới 1962-1963 đã được kết bằng 4 câu thơ như thế!
Trải
qua nhiều bậc học cao hơn, giữ trọng trách tại nhiều vị trí quan trọng
của Thủ đô, Quốc hội, Đảng, Nhà nước, cậu học trò Nguyễn Phú Trọng đã
trở thành một vị lãnh đạo có nhân cách lớn, sẵn sàng đương đầu với những
thách thức, gánh vác trọng trách, giữ gìn sự trong sáng của Đảng, sự
trường tồn của chế độ, đất nước.
Với 80 năm tuổi đời, Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng là tấm gương sáng ngời, mẫu mực về đạo đức cách mạng
của người chiến sĩ cộng sản, là nhà chính trị sắc sảo, trí tuệ, nhà lý
luận xuất sắc của Đảng; suốt đời cống hiến cho lý tưởng độc lập dân tộc
và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân.
''Nhà văn Nguyễn
Đình Thi có viết một câu: Trên ngực áo này không một tấm huân chương,
nhưng dưới làn áo mỏng này có một trái tim. Sâu sắc lắm! Còn nhà thơ Tố
Hữu thì đã có rất nhiều bài viết về Bác Hồ mà tôi rất thích cái câu:
Mong manh áo vải hồn muôn trượng, hơn tượng đồng phơi những lối mòn.
Danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất, kiên quyết chống chủ nghĩa cá
nhân, tất cả vì sự nghiệp chung, đấy mới là người cộng sản chân
chính'', Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói.
Trái tim của người cộng sản chân chính Nguyễn Phú Trọng đã ngừng đập, nhưng tinh thần của ông, nhân cách của ông còn sống mãi!.