Tin trong nước
Yêu cầu chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa nhà nước
17/08/2023 08:05:54

Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa của nhà nước và công khai, minh bạch việc biên soạn, phát hành.

Yêu cầu này nằm trong Công điện ngày 16.8 của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng thời được giao đôn đốc nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa, đảm bảo tăng chất lượng, giảm giá thành.

Địa phương biên soạn, lựa chọn, sử dụng sách giáo khoa, tài liệu giáo dục, tham khảo đúng quy định. Học sinh nghèo, cận nghèo, diện chính sách được hỗ trợ sách giáo khoa. Các tỉnh, thành không để xảy ra chậm, thiếu sách hoặc tăng giá bất hợp lý trước năm học mới.

Trước đó, đề xuất nghiên cứu giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa nhà nước do Đoàn giám sát việc thực hiện các nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra hồi tháng 7.

Tại phiên giám sát cũng về nội dung này hôm 14.8, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã đề nghị bỏ đề xuất nói trên. Theo Bộ trưởng, nhà nước (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nắm và trông coi chương trình thống nhất toàn quốc. Đó là nội dung lõi của giáo dục, là pháp lệnh, còn sách giáo khoa là học liệu, công cụ để hỗ trợ giáo viên để chuyển tải chương trình, thực hiện các yêu cầu môn học.

"Chương trình là duy nhất, thống nhất; học liệu là đa dạng và linh hoạt. Vậy có cần một bộ sách giáo khoa, tức một bộ học liệu của nhà nước hay không?", Bộ trưởng Sơn đặt câu hỏi.

Cũng theo ông Sơn, việc này khác với nội dung nghị quyết 122 năm 2020. Bộ chỉ tổ chức biên soạn sách khi không có tổ chức và cá nhân nào biên soạn. Thực tế, tất cả môn học đều có sách của các tập thể, cá nhân biên soạn.

Việc Bộ biên soạn một bộ sách nữa không chỉ ảnh hưởng lớn tới chủ trương xã hội hóa mà còn có thể tác động tới tinh thần đổi mới mà toàn ngành đang hướng tới.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đắc Vinh, chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, không đồng tình. Theo ông Vinh, chương trình chỉ quy định khung kiến thức, còn nội dung kiến thức phổ thông cũng đặc biệt quan trọng, được thể hiện cụ thể ở sách giáo khoa.

"Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như chính phủ chỉ giữ vai trò phê duyệt như hiện nay thì chúng ta chỉ là người thẩm định được nội dung đấy có phù hợp hay không. Trách nhiệm của nhà nước trong việc xây dựng và phát triển nội dung đó thực hiện có được không, nếu với cách biên soạn như thế này", ông Vinh đặt vấn đề.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng sách giáo khoa quy định về nội dung, là thể chế, cái cốt lõi nhất của chương trình.

"Cho nên, chúng ta chỉ nhận xét nó là một loại học liệu đơn thuần, không phải, không hoàn toàn đúng như thế, chỗ này tôi đề nghị tiếp tục đánh giá", ông Huệ nói.

Ông Huệ cũng cho rằng cần hiểu đúng về Nghị quyết 88 (năm 2014) về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông. Nghị quyết này nêu rõ Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa đầy đủ từ lớp 1 đến lớp 12. Các tổ chức, cá nhân khác được khuyến khích tham gia biên soạn, một hoặc một số đầu sách theo khả năng, không nhất thiết phải đầy đủ một bộ.

Xã hội hóa nhưng vẫn phải bảo đảm nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phát triển sự nghiệp giáo dục. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ này thực hiện nghiêm túc yêu cầu của Nghị quyết 88 là biên soạn bộ sách giáo khoa của nhà nước.

Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, đề xuất của Đoàn giám sát có tính mở. Chính phủ có thể chỉ đạo việc biên soạn nội dung nếu không có đơn vị nào lo được hoặc có thể được tặng bản quyền để nắm được nội dung một bộ sách. Giá bản quyền không được tính vào giá sách, góp phần giảm giá thành.

Sách giáo khoa lớp 3 mới do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành. Ảnh: NXBGDVN
Sách giáo khoa lớp 3 mới do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành

Theo Nghị quyết 88, ngoài chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ với kinh phí 16 triệu USD từ vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo không làm được việc này.

Ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ này, hồi năm 2019 cho biết ban đầu có hai phương án, giao Nhà xuất bản Giáo dục hoặc chọn một hãng tư vấn (nhà xuất bản) để làm sách. Cả hai phương án đều không thực hiện được do vướng các quy định của pháp luật Việt Nam và của Ngân hàng Thế giới. Sau đó, Bộ báo cáo Thủ tướng về phương án tuyển chọn tác giả để tổ chức biên soạn nhưng cũng không xong vì hầu hết đã ký hợp đồng với các nhà xuất bản.

Năm 2020, lộ trình thay sách giáo khoa được thực hiện, đầu tiên ở lớp 1. Hiện thị trường có ba bộ sách giáo khoa và một số sách lẻ. Đến năm học này, việc thay sách ở cấp tiểu học đến lớp 4, cấp THCS đến lớp 8, cấp THPT đến lớp 11 và sẽ hoàn tất vào năm 2025.

Theo VnExpress

Về Trang Chủ
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TUYÊN GIÁO HẢI DƯƠNG
Địa chỉ: Số 104 Trần Hưng Đạo, TP Hải Dương
Giấy phép số 733/GP-STTTT do Sở TT&TT Hải Dương cấp ngày 12/12/2014
Điện thoại: (03203) 852609 Fax: (03203) 837768  Email: trangtintghd@gmail.com
Trưởng Ban Biên Tập : Ông Nguyễn Quang Phúc, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Số lượt truy cập
Đang truy cập: 1
Hôm nay: 8
Tháng này: 1,978
Tất cả: 34,278