Tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng đều là hai địa phương có vai trò chiến lược trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Việc hợp nhất hai địa phương này nhằm tạo ra một không gian phát triển kinh tế - xã hội rộng lớn, đồng bộ hơn về quy hoạch, hạ tầng, kết nối và tổ chức bộ máy hành chính. Trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ, chính quyền số và các dịch vụ công trực tuyến ngày càng phổ biến, khoảng cách hành chính - địa lý dần trở nên ít quan trọng hơn so với hiệu quả vận hành của bộ máy.
Chủ trương hợp nhất được xây dựng trên nền tảng các căn cứ chính trị, pháp lý vững chắc: từ Hiến pháp năm 2013 (sửa đổi, bổ sung năm 2025), Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 đến các nghị quyết quan trọng như Nghị quyết 18-NQ/TW, Nghị quyết 27-NQ/TW, Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị và gần nhất là Nghị quyết 60-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đây là minh chứng cho sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản, có định hướng và được sự đồng thuận cao từ Trung ương đến địa phương.
Về lý do thực tiễn, trong xu thế hội nhập và phát triển, việc tổ chức hợp lý các đơn vị hành chính cấp tỉnh giúp tối ưu hóa nguồn lực, tránh tình trạng chia cắt về quy hoạch, đầu tư, hành chính - từ đó tạo ra sức mạnh liên kết vùng bền vững. Mô hình hợp nhất không chỉ giảm thiểu bộ máy trung gian, tinh giản biên chế mà còn tạo điều kiện để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, đổi mới cách thức cung cấp dịch vụ công theo hướng phục vụ nhân dân tốt hơn.
Ảnh minh hoạ
Đặc biệt, việc hợp nhất cũng thể hiện tầm nhìn chiến lược trong phát triển đô thị và kinh tế vùng. Hải Phòng là thành phố cảng biển lớn nhất miền Bắc, có tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong nhiều năm liên tiếp. Hải Dương là tỉnh công nghiệp phát triển nhanh, có vị trí trung gian quan trọng kết nối Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Hợp nhất hai địa phương không chỉ mở rộng không gian phát triển mà còn thúc đẩy hình thành một trung tâm kinh tế - logistics - công nghiệp có quy mô và sức cạnh tranh quốc tế.
Từ góc nhìn toàn diện, việc hợp nhất tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng không chỉ nhằm hoàn thiện tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, mà còn là bước đi chiến lược để kiến tạo một động lực phát triển mới cho vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước. Đây là minh chứng rõ ràng cho tinh thần đổi mới, hành động quyết liệt và tầm nhìn dài hạn của Đảng và Nhà nước ta trong xây dựng nền hành chính hiện đại, hiệu quả, gắn với yêu cầu phát triển quốc gia trong thời đại mới.
Nguồn: XĐVH