Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ngọc Bích đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm tham mưu định hướng phát triển làng nghề
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Bích, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh ghi nhận những đóng góp tích cực của Sở NN&PTNT từ khi được giao nhiệm vụ quản lý làng nghề từ năm 2018 đến nay. Tuy nhiên, một số nội dung liên quan đến công tác quản lý nhà nước về hoạt động của các làng nghề chưa được sở tham mưu kịp thời. Nhiều sản phẩm làng nghề chưa được nâng cao giá trị, tỷ lệ làng nghề có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP còn thấp, nhiều làng nghề chỉ còn dưới 10% số hộ sản xuất. Các sở, ngành chưa phối hợp chặt chẽ để giải quyết các vấn đề về môi trường, quy hoạch làng nghề, ứng dụng đề tài khoa học-công nghệ, kết nối du lịch làng nghề, xúc tiến thương mại trên các sàn thương mại điện tử.
Để khắc phục những hạn chế, vướng mắc này, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ngọc Bích đề nghị Sở NN&PTNT sớm tham mưu định hướng phát triển làng nghề, có kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn trên cơ sở phối hợp với địa phương. Các sở, ngành cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa để giải quyết vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động của các làng nghề trên địa bàn tỉnh. Rà soát lại thực trạng làng nghề để định hướng phát triển. Tăng cường kiểm tra, giám sát và thống nhất mô hình quản lý làng nghề...
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo công tác quản lý nhà nước về hoạt động của các làng nghề trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2021
Đến cuối năm 2021, UBND tỉnh đã công nhận 66 làng nghề với tổng số 5.046 cơ sở tham gia sản xuất, giảm 592 cơ sở so với năm 2018. Năm 2021, toàn tỉnh có 20.073 lao động tham gia sản xuất tại các làng nghề, giảm gần 2.000 lao động so với năm 2018.
Tại buổi làm việc, Sở NN&PTNT đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện thống nhất giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về ngành nghề nông thôn, làng nghề cho Phòng NN&PTNT. Quan tâm hỗ trợ, đầu tư cho làng nghề để hoàn thiện cơ sở hạ tầng gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới. Hỗ trợ các cơ sở ngành nghề nông thôn xây dựng thương hiệu gắn với chỉ dẫn địa lý, quảng bá thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ. Ưu tiên thu hút các dự án đầu tư, chuyển giao công nghệ mới, công nghệ số, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường. Xây dựng trung tâm, điểm giới thiệu các sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP...
Nguồn: Quan tri BTG