Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), việc đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam là cần thiết vì phát triển phương thức vận tải bền vững, hiện đại, thân thiện, góp phần giảm tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Lấy dẫn chứng từ nghiên cứu của Hiệp hội đường sắt quốc tế, Bộ GTVT cho biết đường sắt tốc độ cao là phương thức vận tải bền vững, an toàn, thân thiện với môi trường, tiết kiệm tài nguyên. Đồng thời do tuyến đường sắt tốc độ cao phần lớn đi trên cao nên góp phần hiệu quả để ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn chế chia cắt cộng đồng.
“Tuyến đường sắt tốc độ cao sử dụng năng lượng điện là giải pháp tối ưu để chuyển đổi phương thức vận tải góp phần đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như cam kết tạo hội nghị COP26”, đại diện Bộ GTVT thông tin.
Theo các chuyên gia, điện khí hóa có thể giảm đáng kể lượng khí carbon mà vận tải đường sắt thải ra so với việc sử dụng tàu chạy bằng diesel hiện nay.
Khi các quốc gia trên toàn thế giới cam kết giảm phát thải khí nhà kính, đường sắt điện đang trở thành chuẩn mực về giao thông vận tải bền vững.
Hơn thế nữa, các tuyến đường sắt chạy bằng điện thường có công suất hiệu quả cao hơn, chi phí bảo trì thấp hơn và giảm tiêu thụ năng lượng về lâu dài.
Ngoài ra, tàu điện yên tĩnh hơn và cho cảm giác đi lại êm ái hơn, qua đó nâng cao trải nghiệm tổng thể cho hành khách và có khả năng thúc đẩy số lượng hành khách sử dụng.
Điều quan trọng là điện khí hóa tạo nền tảng để mở rộng và đổi mới trong tương lai. Khi nền kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển và khối lượng giao thương tăng lên, mạng lưới đường sắt điện khí hóa sẽ có khả năng đáp ứng tốt quy mô vận tải lớn hơn và tàu tốc độ cao hơn.
Chia sẻ thêm, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam Hoàng Gia Khánh cho biết vận tải đường sắt là phương thức giao thông quan trọng. So với hình thức khác, đường sắt có lợi thế vận tải hàng hóa lớn, hiệu suất cao, đặc biệt là độ an toàn, chi phí trung bình. Dự báo nhu cầu vận tải hàng hóa đến 2050 tuyến Bắc-Nam là hơn 18,2 triệu tấn/năm, với 122,7 triệu lượt khách.
Vận tải đường sắt tốc độ cao, khi hình thành, sẽ đóng vai trò quan trọng, đồng bộ kết nối 5 phương thức chính: Đường bộ, đường sắt, hàng hải, hàng không, đường thủy nội địa, theo trục Bắc-Nam.
“Điều này không chỉ tận dụng thế mạnh từng phương thức mà còn tối ưu hóa hệ thống vận chuyển, giảm chi phí logistics, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Khi phương thức vận tải hàng hóa linh hoạt nhanh chóng, tiết kiệm chi phí, sẽ góp phần phát triển kinh tế xã hội”, ông Khánh nêu.
Điểm mạnh của đường sắt tốc độ cao là độ an toàn cao như ở Nhật. Đường Shinkansen xây dựng từ năm 1964 nhưng đến nay sau 60 năm vận hành, khai thác chưa xảy ra vụ tai nạn nào. Hệ thống đường sắt tốc độ cao ở các nước cũng tương tự. Đáng lưu ý, ông Khánh cho biết thời gian đi lại bằng đường sắt tốc độ cao được xác định chính xác tới từng phút.
“Thứ ba là tiện lợi thoải mái, hành khách đi trên tàu này có không gian rộng rãi, di chuyển trên tàu dễ dàng.
Bên cạnh đó, đường sắt tốc độ cao vận hành theo hình thức điện khí hóa, thân thiện với môi trường do đó sẽ mang lại hiệu quả về môi trường, giảm phát thải”, ông Khánh nói.
Theo quy hoạch mạng lưới đằng sắt thời kỳ 2021- 2030 tầm nhìn đến năm 2050 mạng lưới đường sắt gồm 25 tuyến với tổng chiều dài khoảng 6.354 km gồm 7 tuyến đường sắt hiện hữu, 18 tuyến đường sắt mới. Trong đó trên hành lang Bắc - Nam gồm 3 tuyến: Hà Nội - Đồng Đăng, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ.
Tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam có chiều dài khoảng 1.541km, điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP Hồ Chí Minh) và thuộc danh mục các dự án quan trọng quốc gia, ưu tiên đầu tư trước năm 2030.