Chiều 11.7, các đại biểu tham dự Kỳ họp
thứ 9 HĐND tỉnh Hải Dương khóa XVII thảo luận tại 4 tổ. 36 lượt đại biểu
đã tham gia đóng góp những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm về nhiều vấn
đề cử tri quan tâm.
Đồng chí Trần Hồ Đăng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hải Dương đề nghị cần sớm thống nhất cơ sở dữ liệu của người dân
Hồ sơ tiếp nhận trực tuyến chưa đạt yêu cầu
Tại các tổ, nhiều đại biểu bày tỏ sự nhất trí với báo cáo kết quả tình
hình thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng
đầu năm; đánh giá cao kết quả tích cực, toàn diện tỉnh Hải Dương đã đạt
được trên tất cả các lĩnh vực. Các đại biểu đã thảo luận nhiều vấn đề
"nóng", đặc biệt là công tác cải cách hành chính.
Đồng chí Sái Thị Yến, Tỉnh ủy viên, Bí
thư Thị ủy Kinh Môn đề nghị bổ sung hạn chế, yếu kém trong báo cáo kết
quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và
nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm về cải cách hành chính;
làm rõ nguyên nhân hồ sơ tiếp nhận trực tuyến chưa đạt yêu cầu, nhiều
người có tâm lý muốn gửi và nhận trực tiếp. Đồng chí cho rằng thời gian
tới cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân, nâng cao năng lực
cán bộ các cấp để hỗ trợ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến.
Liên quan đến công tác cải cách hành chính, đồng chí Nguyễn Văn Đoàn,
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng việc cải cách thủ tục hành
chính cần đi vào thực chất; cần tuyên truyền sâu rộng hơn nữa, tạo đồng
thuận trong người dân và cần sớm xem xét, kiện toàn Trung tâm Phục vụ
hành chính công tỉnh để phục vụ người dân tốt hơn.
Đồng
chí Trương Thị Thương Huyền, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh
đề nghị tỉnh cần quan tâm gắn kết các mặt hàng nông sản với sản phẩm văn
hóa, du lịch
Đồng chí Trần Hồ Đăng, Phó Bí thư Thành
ủy, Chủ tịch UBND TP Hải Dương cũng đề nghị cần sớm thống nhất cơ sở dữ
liệu của người dân để phục vụ công tác cải cách hành chính. Cùng quan
điểm trên, đồng chí Nguyễn Hồng Sáng, Bí thư Tỉnh đoàn cho biết hiện tại
việc cập nhật cơ sở dữ liệu đoàn viên thanh niên trên hệ thống gặp
nhiều khó khăn, các ứng dụng hỗ trợ thanh niên chưa đạt hiệu quả như
mong muốn.
Đồng chí Nguyễn Cao Thắng, Tỉnh ủy
viên, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị tỉnh sớm bố trí kinh
phí cho công tác công nghệ thông tin để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các
nhiệm vụ liên quan đến chuyển đổi số.
Nhận định việc thanh toán không dùng tiền mặt còn hạn chế, đồng chí
Nguyễn Thị Hải Vân, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh
tỉnh đề nghị tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân hưởng ứng,
tích cực thực hiện thanh toán trực tuyến.
Đồng
chí Nguyễn Hồng Sáng, Bí thư Tỉnh đoàn cho biết hiện tại việc cập nhật
cơ sở dữ liệu đoàn viên thanh niên trên hệ thống gặp nhiều khó khăn
Xúc tiến thương mại nông sản thiếu bền vững
Nhiều đại biểu đánh giá cao sự nỗ lực của tỉnh thời gian qua trong việc
tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm nông sản. Hoạt động
này bước đầu đạt kết quả tốt nhưng chưa thực sự phát huy hết tiềm năng,
thế mạnh của tỉnh và còn thiếu tính bền vững.
Theo đồng chí Trương Thị Thương Huyền, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật
tỉnh, để xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp bền vững, mang lại
hiệu quả kinh tế cao, tỉnh cần quan tâm gắn kết các mặt hàng nông sản
với sản phẩm văn hóa, du lịch, cần triển khai xây dựng bài bản, chuyên
nghiệp.
Đại biểu Lương Thị Cúc, thành viên Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp
sạch Nam Vũ đề nghị tỉnh cần quan tâm đến vùng sản xuất ổi vì đây là
loại cây có quy mô lớn. Do đó, cần tạo liên kết giữa các vùng sản xuất
nông nghiệp; đầu tư có trọng điểm để tạo sự khác biệt, khai thác tiềm
năng, thế mạnh của nông nghiệp Hải Dương.
Đồng chí Trịnh Văn Thiện, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND
huyện Thanh Hà cho biết huyện sẽ quy hoạch tập trung các vùng trồng vải;
phát triển chuyên sâu trà vải sớm cả về số lượng và chất lượng. Đồng
thời, huyện Thanh Hà sẽ duy trì diện tích trồng vải chính vụ để giữ vững
truyền thống vải thiều Thanh Hà.
Đại biểu Lê Văn Việt, Giám đốc HTX Sản xuất và Thương mại thủy sản Xuyên Việt tham gia thảo luận
Liên quan đến tình hình sản xuất nông
nghiệp, đồng chí Trịnh Thị Thủy, Phó Chủ tịch HĐND huyện Ninh Giang cho
rằng hiện nay trên địa bàn tỉnh nhiều nơi đất trồng lúa bị bỏ hoang
gây lãng phí lớn. Tỉnh cần có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ người dân tích
tụ ruộng đất, hình thành cánh đồng mẫu lớn, đầu tư máy móc, thiết bị
sản xuất để khai thác hiệu quả quỹ đất. Trong thời điểm chi phí đầu vào
cao, giá bán sản phẩm nông nghiệp thấp, tỉnh cần có cơ chế, chính sách
hỗ trợ nông dân. Đặc biệt, cần hỗ trợ thỏa đáng cho người dân đầu tư,
ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, quản lý nông nghiệp, mức hỗ
trợ hiện nay còn thấp.
Đại biểu Lê Văn Việt, lãnh đạo HTX Sản xuất và Thương mại thủy sản Xuyên
Việt (Gia Lộc) đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm quy hoạch, đầu tư hỗ trợ
vùng sản xuất chuyên canh, nhất là các mô hình sản xuất theo quy trình
hữu cơ; tập trung phát triển từng sản phẩm tại từng địa phương, phát huy
sản phẩm riêng biệt và tái cấu trúc lại HTX nông nghiệp.