Dân
Chủ là xã thuần nông nằm ở vị trí địa lý tiếp giáp với huyện Gia Lộc, xã có
diện tích tự nhiên là 515,21 ha; dân số gần 6000 người với 1.659 hộ dân, gồm 04 thôn: An Lại, Cao La, La Xá và Đồng Bình. Quốc lộ 37 chạy địa bàn xã mang
lại điều kiện rất thuận lợi cho lưu thông hàng hóa. Những năm gần đây,
nhất là từ khi triển khai thực hiện mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn
mới, Đảng bộ Dân Chủ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất cây vụ
đông và hè thu tăng thu nhập cho người dân, tổ chức triển khai thực hiện từng
bước theo quy hoạch, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng quy mô sản xuất nông
nghiệp chất lượng cao. Trong đó phải kể đến mô hình hiệu quả, được triển khai,
tổ chức thực hiện thành công, đó là mô hình liên kết sản xuất khoai tây gắn với
bao tiêu sản phẩm, đã trở thành cây trồng chủ lực trong cơ cấu cây vụ đông của
các hộ nông dân trong xã.
Trước
thực trạng là xã nông nghiệp, song việc trồng cây vụ đông ở xã Dân Chủ đã dần
bị mai một từ nhiều năm gần đây, một mặt do lao động nông nghiệp chuyển dịch
nhiều sang công nghiệp và dịch vụ; bên cạnh đó giá dịch vụ, phân bón tăng cũng
làm tăng chi phí sản xuất, giảm thu nhập từ cây vụ đông khiến một bộ phận nông
dân chưa mặn mà đầu tư sản xuất. Một số diện tích sau khi thu hoạch lúa mùa bị
bỏ hoang, vừa gây lãng phí đất đai, vừa làm đất bị bạc màu, ảnh hưởng đến sản
xuất vụ đông xuân. Trước thực trạng trên, Đảng ủy xã Dân Chủ đã có nghị quyết
chỉ đạo thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, trong đó có nhiệm vụ khôi phục sản xuất
trồng cây vụ đông. Hợp tác xã nông nghiệp (HTX)
được giao nhiệm vụ phối hợp Công ty CP Phát triển nông nghiệpVàng trồng khoai
tây theo hình thức liên kết sản xuất gắn bao tiêu sản phẩm. Qua hướng dẫn,
tuyên truyền bước đầu đã có 11 hộ gia đình ở thôn An Lại thống nhất trồng cây
khoai tây với quy mô diện tích 21,5 ha và để HTX nông nghiệp là đại diện cho
các hộ tham gia chương trình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, ngay trong
vụ đông năm 2022.
HTX
nông nghiệp đã tiến hành thoả thuận mượn đất của các hộ dân trong thời gian sản
xuất vụ đông; đầu tư thuê máy móc khơi lại mương dẫn nước trong khu vực sản
xuất với kinh phí gần 20 triệu đồng; phối hợp với Công ty huy động 4 chiếc máy
làm đất cỡ lớn thực hiện cày vỡ, lên luống giúp rút ngắn thời gian làm đất,
tiết kiệm nhân công, đồng thời chủ động cung ứng 25 tấn giống khoai tây
Marabell và 24,5 tấn phân bón. Nhờ vậy, toàn bộ công đoạn đặt củ, rải phân, HTX
chỉ cần thuê 70 nhân công (chi phí
200.000 đồng/công) thực hiện trồng xong toàn bộ diện tích 21,5 ha trong
thời gian 3 ngày.
Giai
đoạn chăm sóc cây khoai tây được Công ty phối hợp chặt chẽ với HTX cử cán bộ kỹ
thuật trực tiếp chuyển giao khoa học, kỹ thuật, quy trình chăm sóc cho các hộ
dân, theo dõi và hướng dẫn trực tiếp các biện pháp kỹ thuật; đồng thời, cam kết
bao tiêu, thu mua sản phẩm sau thu hoạch để cung cấp cho các doanh nghiệp chế
biến thực phẩm. Cách làm này giúp người dân vừa có việc làm theo thời vụ lại
tăng thu nhập. Đây cũng là giải pháp cải tạo đất, khắc phục tình trạng đất bạc
màu do không trồng cây vụ đông diễn ra nhiều năm qua, cho nên mô hình đã nhận
được sự đồng thuận của nhân dân trong xã. Mô hình liên kết giữa HTX Nông nghiệp
và Công ty CP Phát triển nông nghiệp Vàng tại xã Dân Chủ đang triển khai là
cách làm thực sự hiệu quả cần được nhân rộng ở các địa phương, giúp các hộ nông
dân yên tâm sản xuất, giảm nhiều diện tích đất bị bỏ hoang; áp dụng nhiều tiến
bộ khoa học, máy móc để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng thu
nhập cho người dân.
Một số hình ảnh
thu hoạch khoai tây tại xã Dân Chủ, huyện Tứ Kỳ
Khang Thơm, BTG Huyện ủy Tứ Kỳ