Đồng chí Lê Hồng Diên, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải
Dương đọc các tờ trình đề nghị quyết định chủ trương đầu tư, điều
chỉnh chủ trương đầu tư nhiều dự án đầu tư công
Cụ thể, UBND tỉnh Hải Dương đề
nghị HĐND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư Dự án Cải tạo, nâng cấp
cống lấy nước, kênh tưới, khu đầu mối trạm bơm Chùa Khu (Thanh Miện)
nhằm cải tạo, nâng cấp một số hạng mục công trình thuộc cụm công trình
đầu mối trạm bơm Chùa Khu. Tổng mức đầu tư dự kiến là gần 9 tỷ
đồng từ ngân sách tỉnh trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn
2021-2025. Thời gian thực hiện dự án trong giai đoạn 2022-2023.
UBND tỉnh Hải Dương cũng đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư 2 dự
án. Thứ nhất, Dự án Đầu tư xây dựng nhà lớp học 3 tầng Trường THPT
Tuệ Tĩnh (Cẩm Giàng) được đề nghị tăng hơn 3 tỷ đồng tổng mức
đầu tư. Tại Nghị quyết số 59/NQ-HĐND ngày 8.12.2021, dự án đã được phê
duyệt phân bổ gần 15 tỷ đồng. Hiện nay, Ban Quản lý dự án đầu tư xây
dựng tỉnh Hải Dương đang tổ chức lập hồ sơ trình UBND tỉnh phê duyệt
dự án. Lý do điều chỉnh chủ trương đầu tư do giá nguyên vật liệu và đơn
giá nhân công hiện nay tăng so với thời điểm lập báo cáo đề xuất chủ
trương đầu tư dự án. Nguồn vốn đầu tư đối với phần kinh phí bổ sung từ
ngân sách tỉnh trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn
2021-2025.
Dự án thứ hai được UBND tỉnh Hải Dương đề nghị điều chỉnh chủ
trương đầu tư là Dự án Cải tạo, nâng cấp công trình đê điều đê địa
phương giai đoạn 2021-2025. Lý do điều chỉnh do quy mô, thiết kế sơ bộ
các hạng mục công trình thuộc dự án có sự thay đổi so với chủ trương đầu
tư được duyệt. UBND tỉnh đề xuất không thực hiện 4 hạng mục và điều
chỉnh quy mô đầu tư hạng mục xây dựng tường chắn và gia cố mặt đê hữu
Kinh Thầy thuộc địa bàn phường Hiệp An (Kinh Môn) để kết nối với đoạn đê
bê tông thuộc trạm bơm An Lưu đã được gia cố. Thời gian thực hiện dự án
được phê duyệt giai đoạn 2021-2025 và theo kế hoạch vốn cấp điều
chỉnh thành giai đoạn 2023 - 2025 và theo kế hoạch vốn cấp.
Dự kiến tổng mức đầu tư dự án sau điều chỉnh là 150 tỷ đồng, không
thay đổi so với trước đó nhưng mức phân bổ cho các hạng mục có
thay đổi. Chi phí giải phóng mặt bằng tăng từ 1,5 tỷ đồng lên
8,4 tỷ đồng, chi phí dự phòng tăng từ 13,6 tỷ đồng lên 16,6 tỷ
đồng, chi phí xây dựng giảm từ 120,5 tỷ đồng xuống 111,9 tỷ
đồng...
Sau khi thẩm tra các tờ trình, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh
Hải Dương cho biết danh mục hồ sơ của từng dự án do UBND tỉnh trình
bảo đảm theo quy định, văn bản thẩm định đã xác định tính cần thiết
của việc đầu tư các dự án và có tiếp thu các ý kiến tham gia của sở,
ngành liên quan. Hiện nay, giá nguyên vật liệu và đơn giá nhân công tăng
cao so với thời điểm lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư năm 2021 và
vượt quá giá trị dự phòng của dự án (hiện được bố trí 5%). Do đó, HĐND
tỉnh cần thiết phải quyết định chủ trương đầu tư và điều chỉnh
chủ trương đầu tư để bảo đảm cơ sở hoàn thiện dự án theo chủ trương
đã được HĐND tỉnh quyết định.