Đêm 13.9 (tức ngày 18.8 âm lịch), Lễ cầu
an và hội hoa đăng trong khuôn khổ Lễ hội mùa thu Côn Sơn-Kiếp Bạc năm
2022 được tổ chức trang nghiêm trên bến Vạn Kiếp và sông Lục Đầu.
Đàn tháp 9 tầng tượng trưng cho trục nối, giao thoa trời-đất, âm-dương được dựng trên đê sông Lục Đầu
Theo Ban Tổ chức Lễ hội mùa thu Côn Sơn-Kiếp Bạc, trong đêm 13.9, có khoảng 1 vạn nhân dân và du khách thập phương dự lễ.
Để chuẩn bị cho lễ cầu an, các nhà sư cùng đại biểu, nhân dân dâng
hương, trang trọng rước lễ từ nội tự đền Kiếp Bạc ra đàn cầu an. Trước
đó, đàn cầu an và 8.000 hoa đăng đã được Ban Quản lý Côn Sơn-Kiếp Bạc
chuẩn bị. Cùng với các nghi thức cổ truyền tôn vinh công đức to lớn của
Hưng Đạo Vương như các lễ dâng hương, ban ấn, rước bộ, diễn xướng hội
quân, diễn xướng hầu Thánh thì Lễ cầu an - hội hoa đăng trên sông Lục
Đầu là nghi lễ đặc trưng, linh thiêng, thu hút đông đảo nhân dân tham
gia.
Các nhà sư cầu quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt; cầu cho linh hồn các
chiến sĩ trận vong, quân dân các triều đại hy sinh vì đất nước
Trong suốt chiều dài lịch sử chống
ngoại xâm, sông Lục Đầu luôn là vị trí trọng tâm của căn cứ địa Vạn
Kiếp. Tại dòng sông này đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử và những chiến
công vang dội của quân dân Đại Việt trong sự nghiệp đấu tranh và bảo vệ
Tổ quốc. Thế kỷ XIII, đế quốc Nguyên Mông sang xâm lược Đại Việt, chúng
đều lấy sông Lục Đầu là mục tiêu đánh chiếm để làm bàn đạp tấn công Kinh
thành Thăng Long. Tháng 6.1285, Hưng Đạo Đại vương tổ chức quân dân Đại
Việt đánh trận Vạn Kiếp lịch sử, tiêu diệt trên 20 vạn quân Nguyên Mông
ở đoạn sông này. Tháng 3.1288, trong cuộc kháng chiến chống đế quốc
Nguyên Mông lần thứ ba, Hưng Đạo Vương tổ chức cuộc phản công chiến lược
đánh đuổi quân giặc từ Kinh đô Thăng Long dồn về Vạn Kiếp. Tại bến sông
lịch sử này, Hưng Đạo Đại vương chỉ huy quân dân Đại Việt khóa chặt
đường rút quân của quân Nguyên Mông về phía bắc Lạng Sơn, ép chúng phải
rút chạy theo đường ra Biển Đông, để tổ chức trận đánh quyết chiến chiến
lược tại Bạch Đằng. Tháng 6.1288, Hưng Đạo Vương tổ chức trận Bạch Đằng
tiêu diệt 30 vạn quân Nguyên Mông, đập tan ý đồ xâm lược, kết thúc
thắng lợi cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ ba. Sau khi đánh
thắng giặc Nguyên Mông, đem lại thái bình cho đất nước, Hưng Đạo Vương
về nghỉ tại thái ấp của ông ở Vạn Kiếp.
Đêm 13.9 có khoảng 1 vạn du khách dự lễ cầu an và hội hoa đăng
Để tưởng nhớ, tri ân công đức của các
bậc thánh vương, quân và dân Đại Việt trong công cuộc bảo vệ đất nước
chống ngoại xâm, hằng năm lễ hội đền Kiếp Bạc đều tổ chức Lễ cầu an-hội
hoa đăng, nhằm cầu siêu cho những linh hồn anh hùng liệt sĩ đã hy sinh
oanh liệt vì sự nghiệp đấu tranh và bảo vệ quốc gia Đại Việt ở các triều
đại. Qua đó cầu cho quốc thái, dân an, nhân khang vật thịnh, nhà nhà ấm
no, gia đình hạnh phúc, toàn dân tộc đoàn kết, đồng lòng xây dựng và
bảo vệ giang sơn Việt Nam giàu đẹp, đồng lòng hướng về lãnh hải của Tổ
quốc, về Hoàng Sa, Trường Sa yêu quý.
Hoa đăng được du khách chuyền tay thả xuôi theo dòng nước sông Lục Đầu
Lễ cầu an trên sông Lục Đầu là một
nghi lễ linh thiêng, mang ý nghĩa lịch sử văn hóa, nhân văn sâu sắc và
tồn tại mãi với Lễ hội đền Kiếp Bạc hàng trăm năm qua. Đàn tháp với 9
tầng tượng trưng cho trục nối, giao thoa trời-đất, âm-dương. 9 tầng hoa
văn cả Phật-Đạo-Nho đan xen tạo nên một bức tranh đa sắc màu lộng lẫy
biểu hiện của sự hòa hợp tam giáo. Dưới sông từng đoàn thuyền chở đầy ắp
hoa đăng, lung linh bừng sáng cả góc trời Vạn Kiếp. Hàng nghìn hoa đăng
được người dân chuyền tay thả xuôi theo dòng nước sông Lục Đầu. Những
cánh hoa rực rỡ chở tình cảm tri ân của thế hệ hôm nay gửi gắm về cõi xa
xăm.
Màn bắn pháo bông rực rỡ
Lễ cầu an và hội hoa đăng còn mang ý
nghĩa nhân văn đặc biệt sâu sắc. Không chỉ tưởng niệm, tri ân các anh
hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc ở các triều đại; cầu siêu cho vong
hồn tướng sĩ nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông mà
còn cầu cho vong hồn kẻ bại trận trên sông Lục Đầu được siêu thoát.
Kết thúc lễ cầu an và hội hoa đăng là màn bắn pháo bông, pháo hoa rực rỡ
trên đê Lục Đầu trước đền Kiếp Bạc như gửi gắm và mong ước về một cuộc
sống bình an, hạnh phúc, quê hương, đất nước hòa bình, thịnh vượng.
Trong đêm, lễ hội còn có chương trình diễn xướng hầu thánh, hát dân ca quan họ... phục vụ du khách.