TS. Trương Văn Phước: 'Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức thận
trọng, không bằng lòng với những kết quả đạt được' - Ảnh: VGP/HG
Nghị quyết 128 đã tạo ra tiền đề quan trọng cho phục hồi và phát triển kinh tế, đưa đất nước tiến lên phía trước
Trong khi đó, TS. Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Uỷ ban Giám
sát tài chính quốc gia đánh giá, Nghị quyết 128 của Chính phủ đã tạo ra
tiền đề quan trọng cho đất nước thích ứng với phòng chống dịch COVID-19.
Đến nay, việc triển khai Nghị quyết 128 là hết sức hiệu quả và thành
công.
TS. Trương Văn Phước cho rằng, Nghị quyết đã nêu các quan điểm, phương
pháp thực hiện, đặt mục tiêu sức khỏe, tính mạng của người dân là trên
hết, trước hết, do đó các giải pháp chống dịch rất khoa học và phù hợp
với thực tiễn, điều kiện của Việt Nam.
Đặc biệt, Nghị quyết 128 đã phân công chi tiết nhiệm vụ cụ thể của các
bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương. Chính việc
tuân thủ nghiêm ngặt sự phân công đó nhưng cũng rất linh hoạt xem xét
diễn biến tình hình dịch, vừa chống dịch lại vừa thực thi các mục tiêu
kinh tế - xã hội đã đưa Việt Nam qua giai đoạn khó khăn, đồng thời mở ra
cơ hội phát triển tươi sáng cho tương lai.
Theo TS. Trương Văn Phước, Nghị quyết 128 của Chính phủ không chỉ là một
chiến lược thích ứng, linh hoạt cho cả nước ở một thời điểm mà Chính
phủ cũng hết sức linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành thời gian vừa qua.
Số liệu Tổng cục Thống kê công bố sáng 29.9 cho thấy, GDP 9 tháng năm
2022 tăng trưởng 8,83%, mức cao nhất kể từ năm 2011 đến nay và riêng quý
III là 13,67%.
Bên cạnh đó, các cân đối lớn của nền kinh tế như xuất nhập khẩu, xuất
siêu hơn 6,5 tỷ USD, xuất khẩu tăng hơn 17%, nhập khẩu tăng 13%, lạm
phát chỉ 2,73%, các dòng vốn tiếp tục vào Việt Nam, FDI thực hiện tăng
cao nhất trong 5 năm vừa qua...
Với những kết quả kể trên, TS. Trương Văn Phước nhận định năm 2022, chúng ta có thể đạt được tăng trưởng GDP ít nhất là 7,5%.
Ngoài ra, đối với việc ổn định kinh tế vĩ mô thì việc kiểm soát lạm phát
hết sức quan trọng. 9 tháng vừa qua, trong khi lạm phát bùng phát cao ở
nhiều nước như Mỹ 8-9%, Anh xấp xỉ 9%, đáng mừng là Việt Nam kiềm chế
được 2,73% nên trong năm 2022, mức lạm phát của chúng ta cũng sẽ chỉ
dưới 4%.
Cùng nhận định như TS. Trương Văn Phước, PGS.TS. Vũ Minh Khương, giảng
viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore)
cho rằng, trong bối cảnh hoành hành tàn khốc của đại dịch COVID-19 và
viễn cảnh mờ mịt về khả năng thoát khỏi cuộc khủng hoảng nghiêm trọng
chưa từng có này, Nghị quyết 128 được Chính phủ ban hành vào tháng
10.2021 là một bước đi quả cảm và sáng suốt.
"Trả lời phỏng vấn báo chí ở thời điểm đó, tôi coi Nghị quyết này có tác
động như Khoán 10 trong nông nghiệp khi Việt Nam bắt đầu công cuộc cải
cách.
Bước tiến của một quốc gia trong nỗ lực phát triển được đo bằng hiệu lực
của các quyết sách ứng đáp với những thách thức gặp phải trong hành
trình đi lên. Quyết sách có hiệu lực cao trước những thách thức nghiệt
ngã thường tạo nên những bước tiến vượt bậc. Trong nghiên cứu của tôi về
động thái phát triển của thế giới trong hơn một năm qua, Việt Nam với
Nghị Quyết 128 là một điểm sáng rất đáng trân trọng. Nó vừa không chỉ
thể hiện sự sáng suốt và quả cảm của Chính phủ mà cả ý thức trách nhiệm
của hệ thống chính trị với cuộc sống của người dân và vận mệnh tương lai
của đất nước", PGS.TS. Vũ Minh Khương khẳng định.
PGS.TS. Vũ Minh Khương phân tích, để thấy hết ý nghĩa và giá trị của
Nghị quyết 128 trong phục hồi và phát triển kinh tế, chúng ta có thể so
sánh sức phục hồi hạn chế của các nền kinh tế có nhiều thuận lợi hơn
Việt Nam, quy mô kinh tế cũng lớn hơn nhiều nhưng quá cứng nhắc trong
kiểm soát đại dịch.
Điều cần nói thêm là, các chỉ số vĩ mô của nền kinh tế Việt Nam khá lành
mạnh trong bối cảnh thế giới chịu những tác động khốc liệt của giá
nhiên liệu, tỷ giá USD và gián đoạn chuỗi cung ứng. Chẳng hạn, dự trữ
ngoại hối vượt mức 100 tỷ USD và tiếp tục tăng bền vững, xuất khẩu dự
kiến tăng khoảng 10% so với năm 2021, tỷ giá đồng Việt Nam so với USD ổn
định rất tốt so với hầu hết các đồng tiền khác và lạm phát được kiểm
soát ở mức dưới 4% trong năm 2022.
Tiếp tục chủ động trong việc ứng phó với những biến động trên thế giới
Theo TS. Trương Văn Phước, những gì mà nền kinh tế đã đạt được thời gian
qua là tiền đề quan trọng để chúng ta tự tin, bình tĩnh, chủ động trong
việc ứng phó với những biến động bên ngoài lẫn những khó khăn trong nội
tại để thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững trong thời gian
tới.
Xung đột lợi ích chính trị, chiến lược phát triển của các quốc gia lớn,
biến đổi khí hậu, thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế nhiều biến động…
là những bài toán khó đối với một quốc gia như Việt Nam đang trong quá
trình hội nhập vào nền kinh tế thế giới.
Như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh nhiều lần, đó là "dĩ bất biến
ứng vạn biến", phải kiên định trong thế giới nhiều biến động, có những
thích ứng với những thay đổi. Tuy nhiên, Việt Nam lại hội nhập sâu vào
nền kinh tế thế giới, vậy chúng ta thích ứng như thế nào?
Theo TS. Trương Văn Phước, cái "bất biến" chính là sự bình tĩnh, tự tin,
cẩn trọng, linh hoạt, không chủ quan, duy ý chí mà lắng nghe, huy động
sức mạnh của toàn hệ thống chính trị để ứng phó. Đây cũng là kinh nghiệm
của Việt Nam từ những năm 1986 khi thực hiện chính sách Đổi mới.
"Hình ảnh Thủ tướng không có ngày nghỉ, lặn lội xuống cơ sở, họp với các
bộ, ngành, chính quyền địa phương để tháo gỡ kịp thời những khó khăn,
vướng mắc, đã cho thấy Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vừa hết sức thận
trọng, vừa không bằng lòng với những kết quả đạt được", ông Phước bày
tỏ.
Theo ông Phước, ổn định kinh tế vĩ mô được xem là một điều kiện quan
trọng, tiên quyết cho Việt Nam có thể tận dụng cơ hội để phát triển. Đây
cũng đang là thế mạnh của Việt Nam.
Hơn nữa, dư địa tăng trưởng của Việt Nam còn rất nhiều. Những nước như
Mỹ, Nhật Bản, châu Âu để tăng trưởng một năm vài phần trăm là rất khó vì
quy mô nền kinh tế của họ rất rộng lớn. Tuy nhiên, nền kinh tế của Việt
Nam còn nhỏ, mặc dù đã hội nhập nhưng so với phần còn lại của thế giới
vẫn còn khiêm tốn nên dư địa phát triển của Việt Nam còn rất nhiều.
"Trên nền của kinh tế vĩ mô ổn định, với một dư địa không gian phát
triển còn rộng dài và kiên định với 3 trụ cột của tái cấu trúc nền kinh
tế là thể chế, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, chúng ta có rất nhiều cơ
hội trong thời gian tới", ông Phước nhận định.
Còn PGS.TS. Vũ Minh Khương tin là Việt Nam sẽ đạt được ở mức ấn tượng
hầu hết các mục tiêu phát triển kinh tế đặt ra cho năm 2022. Tuy nhiên,
phía trước còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Thành tựu đạt được của
Việt Nam ở thời điểm hiện tại vẫn dựa chủ yếu vào lợi thế sẵn có và khả
năng điều hành linh hoạt và bản lĩnh của Chính phủ. Chúng ta chưa có
bước tiến lớn về cải cách nền tảng, tạo cho nền kinh tế có sức tăng
trưởng mới, dựa trên khả năng đổi mới sáng tạo, nắm bắt công nghệ và
cộng hưởng mạnh mẽ với các nền kinh tế hàng đầu.
PGS.TS. Vũ Minh Khương mong Chính phủ sẽ sớm có chiến lược cải biến cho
từng ngành kinh tế với tầm nhìn 2045 để làm sao mỗi ngành đều có xung
lực mới để có những bước tiến vượt bậc, đóng góp vào công cuộc đưa Việt
Nam trở thành một quốc gia phát triển trong 2-3 thập kỷ tới.
Theo VGP