Báo Vedomosti của Nga cho biết trong
nghiên cứu của công ty tư vấn kinh tế trên về tình hình năng lượng hiện
tại của châu Âu, các chuyên gia lưu ý rằng các nước EU đã triển khai
hàng loạt biện pháp can thiệp tài chính nhằm giảm thiểu tác động của
cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra.
Và theo họ, nhược điểm chính của động
thái trên là có thể làm mất khả năng cạnh tranh, thậm chí dẫn đến việc
đóng cửa một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng nhất, do tình
trạng thiếu khí đốt và chi phí năng lượng đắt đỏ.
"Các biện pháp can thiệp sẽ dẫn đến thâm
hụt ngân sách lên tới 2.000 tỷ euro hàng năm và gánh nặng nợ công của
EU là 100% GDP", đồng tác giả của nghiên cứu, bà Yelena Kuznetsova kết
luận.
Nhìn chung, các chuyên gia được tờ báo
Vedomosti phỏng vấn đều đồng tình với những kết luận như vậy. Nhà phân
tích Alexey Kalachev tại Finam nhấn mạnh rằng sự phát triển thành công
của nền kinh tế châu Âu được đảm bảo ở một mức độ đáng kể từ các nguồn
cung cấp năng lượng dễ tiếp cận được, trong đó có Nga.
Dù vậy, ông Sergey Grishunin, Giám đốc
điều hành dịch vụ đánh giá của NRA, cho rằng các tình huống xấu nhất về
khả năng đình trệ sản xuất ở EU là khó xảy ra. Chuyên gia này giải
thích: “Các doanh nghiệp sẽ đóng cửa dần dần. Điều này sẽ kéo theo việc
tăng giá sản phẩm, cho phép họ duy trì mức lợi nhuận có thể chấp nhận
được từ những hoạt động sản xuất còn lại”.
Theo nhà phân tích Alexey Kovalev của
Finam, để ổn định giá khí đốt, cần phải giảm tiêu thụ hoặc tăng cường
nguồn cung cấp các sản phẩm năng lượng. Tuy nhiên, theo ông, EU không
thể cắt giảm tiêu thụ hơn nữa.
Do đó, ông Kovalev cho rằng mức giá dưới
600 USD đô la cho mỗi 1.000 mét khối sẽ không thành hiện thực trong
vòng 2-3 năm nữa. Bên cạnh đó, ông Kalachev bày tỏ sự tin tưởng rằng sức
phát triển của các nền kinh tế EU sẽ phụ thuộc vào việc mối quan hệ
kinh tế giữa khối này và Nga còn bị gián đoạn trong bao lâu.
Trong diễn biến liên quan, ngày 5/10,
các nghiệp đoàn châu Âu đã tổ chức biểu tình, yêu cầu EU có hành động
khẩn cấp để giải quyết cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tại khu vực
này.
Cuộc biểu tình được tổ chức trước trụ sở
Nghị viện châu Âu (EP) ở Strasbourg (Pháp), có sự tham gia của thành
viên Liên minh Nghiệp đoàn châu Âu (ETUC), các nghiệp đoàn của Pháp,
cùng một số liên đoàn và hiệp hội. Giới lãnh đạo các nghiệp đoàn châu Âu
đã kêu gọi thực hiện các biện pháp khẩn cấp nhằm giải quyết cuộc khủng
hoảng chi phí sinh hoạt, bằng cách đảm bảo tăng lương, hỗ trợ khẩn cấp
cho các gia đình gặp khó khăn, giới hạn giá cả, điều chỉnh chính sách
thuế, phân phối lại lợi nhuận và của cải dư thừa.
Cuộc biểu tình diễn ra sau một cuộc họp
liên quan tại EP, nơi đại diện các nghiệp đoàn đã trình bày kế hoạch 6
điểm của họ. Bản kế hoạch nêu rõ: "Các chính phủ và EU không thể đứng
ngoài cuộc khủng hoảng này. Cái giá của việc không hành động hoặc hành
động sai lầm - chẳng hạn như tăng lãi suất, đóng băng thanh toán hay
quay trở lại chính sách 'thắt lưng buộc bụng' đã thất bại - sẽ là một
thảm họa".
Cơ quan thống kê của EU Eurostat cho
biết trong tháng 9 vừa qua, tỷ lệ lạm phát tại Khu vực Đồng euro
(Eurozone) ở mức 10% - mức cao kỷ lục kể từ khi đồng tiền này được đưa
vào sử dụng năm 1999. Trong tháng 8, tỷ lệ lạm phát tại Eurozone là
9,1%.