Hải Dương đã có gần 30 năm kinh nghiệm
thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với nhiều doanh nghiệp FDI tầm
cỡ, chất lượng. Đồng thời tỉnh cũng là điểm dừng chân tin cậy của doanh
nghiệp lớn trong nước.
Một góc của TP Hải Dương
Chưa khi nào, hình ảnh về một Hải
Dương năng động, cởi mở và thiện chí trong thu hút đầu tư lại được nhắc
đến nhiều như thời gian qua. Những nỗ lực của tỉnh trong cải thiện môi
trường đầu tư kinh doanh đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận bằng
chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng vượt bậc. Hải Dương dẫn
đầu cả nước về chỉ số thành phần tính năng động và tiên phong của lãnh
đạo tỉnh.
Chỉ trong năm 2021, PCI của Hải Dương tăng 34 bậc, đứng thứ 13 cả nước.
Kết quả này càng ý nghĩa hơn bởi tỉnh phải trải qua quãng thời gian khó
khăn khi trở thành tâm dịch Covid-19. Hoạt động sản xuất, kinh doanh gần
như tê liệt, chuỗi cung ứng, liên kết đứt gãy. Và doanh nghiệp là chủ
thể chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Thế nhưng, ở khía cạnh khác, cú sốc y
tế chưa từng có tiền lệ này lại là phép thử hữu hiệu để cấp uỷ, chính
quyền và doanh nghiệp thấu hiểu, san sẻ để cùng vượt qua thử thách. Ở
mỗi thời điểm, tỉnh đều có chỉ đạo, chính sách phù hợp với tình hình.
Với tinh thần từ "vượt khó, tăng tốc" đến "thích ứng linh hoạt, tăng
trưởng bứt phá" thì mọi chủ trương, chính sách đều hướng đến người dân,
doanh nghiệp, được vận dụng khéo léo, gỡ khó cho doanh nghiệp, nhà đầu
tư để tạo đà phát triển. Theo khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công
nghiệp Việt Nam (VCCI), có tới 89% số doanh nghiệp được hỏi cho rằng Hải
Dương kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc qua các cuộc đối thoại,
tiếp xúc. 87% số doanh nghiệp khẳng định tỉnh thực hiện linh hoạt các
quy định trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận
lợi.
Từ đầu năm 2022 đến nay, thông qua các cuộc gặp gỡ, trao đổi, giao lưu,
toạ đàm, uy tín của tỉnh trong thu hút đầu tư, kinh doanh được nâng cao.
Tọa đàm xúc tiến đầu tư với Hàn Quốc, gặp gỡ các doanh nghiệp Nhật Bản
hay những cuộc làm việc liên tục, thường xuyên giữa lãnh đạo tỉnh với
các nhà đầu tư đã cho thấy quyết tâm của tỉnh trong đổi mới xúc tiến đầu
tư. Không chỉ mời gọi nhà đầu tư đến, lãnh đạo tỉnh còn chủ động kết
nối doanh nghiệp qua các chuyến công tác nước ngoài. Sự nhạy bén, thấu
đáo trong chỉ đạo, điều hành đã tạo được thiện cảm với các doanh nghiệp,
giúp Hải Dương dần trở thành điểm đến, thu hút của các nhà đầu tư đến
nghiên cứu, tìm hiểu. Thế nhưng là điểm đến chỉ vì có tiềm năng, lợi thế
thôi chưa đủ mà Hải Dương cần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận
lợi mới có thể giữ chân doanh nghiệp, để doanh nghiệp coi đây là bến đỗ.
Đi cùng cái bắt tay hợp tác phải là cái gật đầu đồng ý, không để nhà
đầu tư đến rồi lại đi. Để làm được điều này, môi trường đầu tư phải lành
mạnh thật sự và bình đẳng thực chất với sự vào cuộc quyết liệt của các
cấp, các ngành chứ không phải chỉ là những chính sách, chủ trương.
Hải Dương đã có gần 30 năm kinh nghiệm thu hút đầu tư trực tiếp nước
ngoài (FDI) với nhiều doanh nghiệp FDI tầm cỡ, chất lượng. Đồng thời
tỉnh cũng là điểm dừng chân tin cậy của doanh nghiệp lớn trong nước. Đây
là cơ sở để Hải Dương tiếp tục khai thác và phát huy hiệu quả thế mạnh
thu hút đầu tư. Ngoài ra, những thay đổi tích cực trong xúc tiến đầu tư
đã giúp tỉnh tạo được thiện cảm, hấp dẫn các nhà đầu tư. Tuy nhiên, muốn
quan hệ hợp tác đầu tư có thể phát triển thành các dự án cụ thể thì
phải có sự sát cánh, đồng hành của các cấp, ngành với doanh nghiệp trong
quá trình nghiên cứu, tìm hiểu đến khi quyết định đầu tư. Có như vậy,
mọi khó khăn, vướng mắc sẽ được tháo gỡ kịp thời, doanh nghiệp sẽ tin
tưởng và yên tâm hơn nếu bỏ vốn đầu tư.