Bộ Chính trị yêu cầu giai đoạn
2021-2026, toàn hệ thống chính trị tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ,
công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách
Nhà nước.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng - Ảnh: GIA HÂN
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa
ký ban hành kết luận của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả công tác
quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026.
Theo đó, xem xét đề nghị của Ban Chỉ đạo thực hiện quản lý biên chế
thống nhất của hệ thống chính trị về công tác quản lý biên chế cán bộ,
công chức, viên chức của hệ thống chính trị giai đoạn 2016-2021 và đề
xuất biên chế giai đoạn 2022-2026, Bộ Chính trị kết luận tiếp tục đẩy
mạnh thực hiện tinh giản biên chế theo nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Cụ thể, giai đoạn 2021-2026, toàn hệ thống chính trị tinh giản ít nhất
5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng
lương từ ngân sách Nhà nước.
Đối với các cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị chưa thực hiện giảm đủ
10% biên chế giai đoạn 2016-2021 phải đồng thời vừa thực hiện mục tiêu
tinh giản biên chế giai đoạn 2022-2026, vừa phải tiếp tục thực hiện chỉ
tiêu tinh giản biên chế giai đoạn 2016-2021.
Những nơi thực hiện vượt chỉ tiêu giai đoạn 2016-2021, phần vượt được tính vào kết quả thực hiện giai đoạn 2022-2026.
Bộ Chính trị yêu cầu trước mắt giữ ổn định số lượng biên chế công đoàn địa phương đã giao vượt so với biên chế được giao.
Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp Tổng Liên đoàn Lao động Việt
Nam và các cấp ủy, tổ chức đảng liên quan tiến hành kiểm tra, tổng kết,
đánh giá tổng thể tình hình quản lý và giao biên chế công đoàn làm cơ sở
tham mưu, hướng dẫn việc giao biên chế đối với cơ quan liên đoàn lao
động cấp tỉnh, cấp huyện.
Sau khi có hướng dẫn giao biên chế đối với cơ quan liên đoàn lao động
cấp tỉnh, cấp huyện thì Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy thực hiện giao
biên chế công đoàn theo quy định trong tổng số biên chế được giao.
Bộ Chính trị lưu ý biên chế được giao giai đoạn 2022-2026 không bao gồm
lao động hợp đồng. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị tự quyết định việc sử
dụng hợp đồng lao động và trả lương, phụ cấp cho lao động hợp đồng theo
quy định từ ngân sách chi thường xuyên của cơ quan, đơn vị.
Bộ Chính trị ủy quyền cho Ban Chỉ đạo xem xét, quyết định sử dụng biên
chế dự phòng khi cần thiết (biên chế dự phòng khoảng 0,5% tổng biên
chế).
Ban Tổ chức Trung ương, Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự đảng Chính phủ,
Văn phòng Chủ tịch nước, Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương,
Ban Cán sự đảng Tòa án Nhân dân tối cao, Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát
nhân dân tối cao, Ban Cán sự đảng Kiểm toán Nhà nước quản lý biên chế
các cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị trực thuộc theo thẩm quyền.
Các cơ quan, tổ chức được giao thẩm quyền quản lý biên chế chịu trách
nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp triển khai chủ trương, quyết định của
Bộ Chính trị và thực hiện thẩm quyền giao, quản lý biên chế theo quy
định; kiểm tra, giám sát việc thực hiện quản lý, sử dụng biên chế của
các cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị thuộc thẩm quyền.
Bộ Chính trị lưu ý, các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương chịu
trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả
chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý, sử
dụng biên chế ở địa phương, cơ quan, đơn vị; trực tiếp quản lý biên chế
được giao, lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai giao biên chế cho các cơ quan,
tổ chức, địa phương, đơn vị trực thuộc bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, đúng
quy định.
Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo rà soát,
bổ sung, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, bảo đảm
đồng bộ, thống nhất với chủ trương, quy định của Đảng về quản lý biên
chế.
Ban Tổ chức Trung ương hoàn thành danh mục vị trí việc làm trong hệ
thống chính trị; giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo hướng dẫn,
kiểm tra, đôn đốc thực hiện công tác quản lý biên chế; định kỳ hoặc khi
cần thiết báo cáo Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo.
Theo Tuổi trẻ