Các đại biểu thảo luận tổ tại Hội nghị lần thứ 16 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương khóa XVII. Ảnh: Thành Chung
Ngày
13/10, Hội nghị lần thứ 16 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương khóa
XVII thảo luận về kết quả triển khai, thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU,
ngày 19/8/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về cải thiện mạnh mẽ môi
trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai
đoạn 2021-2025.
Nhiều chuyển biến
Theo đánh giá của
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương, sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị
quyết số 08-NQ/TU, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh cơ bản ổn định,
tính bình đẳng giữa các thành phần kinh tế được nâng lên, thời gian
giải quyết thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực được rút ngắn.
Hải
Dương tổ chức thực hiện có kết quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
và xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện một số quy định, chương
trình, đề án hỗ trợ doanh nghiệp từ nguồn ngân sách tỉnh trong các lĩnh
vực: Đăng ký doanh nghiệp, khởi nghiệp, tư vấn đầu tư, đào tạo lao động,
xúc tiến thương mại, sở hữu công nghiệp, khuyến công, khuyến nông, trợ
giúp pháp lý, tín dụng...
Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bản
tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 - 2023 (tính đến tháng 9/2023) ước đạt
142.541 tỷ đồng; tỷ lệ vốn đầu tư phát triển/GRDP bình quân đạt 31,5%
(mục tiêu Nghị quyết 35,4%); có 4.400 doanh nghiệp đăng ký thành lập,
tăng 2,98%/năm (mục tiêu Nghị quyết tăng 15%/năm). Chỉ số năng lực cạnh
tranh (PCI) của tỉnh có cải thiện cả về điểm số và thứ hạng so với cả
nước. Hầu hết các chỉ số thành phần (7/10 chỉ số) đều có sự cải thiện về
thứ hạng so với cả nước, trong đó có một số chỉ số có sự cải thiện khá
lớn.
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương duy trì hoạt động gặp mặt, đối thoại
thường niên với doanh nghiệp để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo
môi trường thuận lợi, ổn định cho hoạt động đầu tư kinh doanh. Tỉnh thực
hiện có hiệu quả việc xử lý chồng chéo trong xây dựng kế hoạch thanh
tra, kiểm tra hằng năm đối với doanh nghiệp. Một số ngành, địa phương đã
triển khai và duy trì thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp. Công
tác xúc tiến đầu tư được đổi mới, đa dạng hóa hình thức và nâng cao
chất lượng, hướng đến các nhà đầu tư trọng điểm, có tiềm lực, uy tín
trong và ngoài nước.
Kiên quyết xử lý vi phạm gây phiền hà doanh nghiệp
Ban
Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đánh giá cùng với những kết quả đạt được,
môi trường đầu tư kinh doanh chưa có cải thiện mạnh mẽ, vẫn còn những
yếu tố cản trở doanh nghiệp, chưa tạo được môi trường để doanh nghiệp
phát triển bứt phá hoặc thu hút nhà đầu tư lớn, đầu tư mở rộng quy mô
sản xuất, kinh doanh. Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của Hải Dương có
cải thiện nhưng chưa bền vững, nhất là đối với các chỉ số thành phần
chiếm tỷ trọng lớn trong chỉ số tổng hợp. Năng lực cạnh tranh của tỉnh
so với các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng chưa được cải thiện và có
xu hướng tụt lại phía sau…
Cùng với những nguyên nhân khách quan,
Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho rằng việc chỉ đạo, đôn đốc, giám sát, kiểm
tra của người đứng đầu ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương có việc còn
thiếu quyết liệt, chưa nhận diện, xác định được các nội dung công việc
có tính đột phá, có tính lan tỏa để tập trung chỉ đạo; chưa phát huy tốt
trách nhiệm người đứng đầu. Năng lực tham mưu của một số cơ quan, đơn
vị trong xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp
còn hạn chế.
Hải Dương sẽ tiếp tục thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TU
với quan điểm cải thiện môi trường đầu tư một cách thực chất, bền vững,
lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo về hiệu quả
hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Tỉnh sẽ tiếp tục cắt giảm tối
đa chi phí thời gian, chi phí thực hiện thủ tục cho các doanh nghiệp.
Tăng cường tính minh bạch, bảo đảm khả năng tiếp cận thông tin, tiếp cận
các chính sách, quy định của nhà nước của cộng đồng các doanh nghiệp.
Nâng cao chất lượng đào tạo, giới thiệu, cung ứng lao động cho các doanh
nghiệp. Giải quyết kịp thời, hiệu quả các khó khăn, vướng mắc, tạo môi
trường thuận lợi, ổn định để các doanh nghiệp hoạt động và mở rộng quy
mô đầu tư kinh doanh. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ
quan, chính quyền các cấp, gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong
triển khai công việc. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; đẩy mạnh
kiểm tra, giám sát đổi với việc thực thi công vụ của cán bộ công chức,
nhất là các vị trí nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, kiên quyết xử lý
nghiêm các vi phạm gây phiền hà, sách nhiễu doanh nghiệp…