Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn
tỉnh Hải Dương trong 6 tháng đầu năm nay ước đạt 10.344 tỷ đồng, đạt
70% dự toán năm, tăng 16% cùng kỳ năm trước.
Đồng
chí Nguyễn Thị Ngọc Bích, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch
Thường trực HĐND tỉnh đọc tờ trình về tình hình thực hiện kế hoạch phát
triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng
cuối năm 2022
Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Đảng
bộ tỉnh Hải Dương khóa XVII đã nghe đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Bích, Ủy
viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đọc tờ
trình về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6
tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022.
Những điểm sáng
Theo tờ trình, 6 tháng đầu năm nay, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh
đạt được nhiều kết quả tích cực và toàn diện. Tổng sản phẩm trên địa bàn
tỉnh (GRDP) ước tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước, đứng thứ 6 cả
nước, đứng thứ 2 vùng đồng bằng sông Hồng.
Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,3%, đạt 59,7% kế
hoạch năm. Tỉnh được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn
mới. Sản xuất công nghiệp - xây dựng có mức tăng trưởng cao, giá trị sản
xuất tăng 16,9% (cùng kỳ năm trước tăng 7,3%).
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh ước đạt 10.344 tỷ đồng,
đạt 70% dự toán năm, tăng 16% cùng kỳ năm trước. Tổng vốn đầu tư phát
triển toàn xã hội 6 tháng đạt 21.391 tỷ đồng, tăng 7%. Toàn tỉnh thành
lập mới 861 doanh nghiệp, tăng 15,4% cùng kỳ năm trước.
Dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn tỉnh.
Công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được duy
trì thực hiện tốt. Công tác quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an
toàn xã hội được thực hiện hiệu quả.
Lập quy hoạch tỉnh còn chậm
Cùng với những kết quả trên, việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế -
xã hội trong 6 tháng đầu năm cũng còn nhiều hạn chế. Công tác lập quy
hoạch tỉnh còn chậm so với kế hoạch. Tiến độ thực hiện, giải ngân vốn
đầu tư công rất hạn chế, tỷ lệ giải ngân đạt thấp. Số lượng phát triển
doanh nghiệp mới chưa đạt kế hoạch. Việc triển khai các công trình hạ
tầng giao thông trọng điểm và các công trình giao thống giao cấp huyện
đầu tư nhìn chung còn chậm, lúng túng.
Việc triển khai các dự án, các điểm dân cư, khu đô thị, nhất là các khu
đô thị lớn còn chậm. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của một số
dự án còn vướng mắc, chưa được giải quyết dứt điểm. Cải cách hành chính
chuyển biến chậm, nhất là việc triển khai thực hiện dịch vụ công mức độ 3
và 4…
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá bên cạnh những nguyên nhân khách quan thì
một số ngành, địa phương còn thiếu chủ động trong xử lý những khó khăn,
vướng mắc, nhất là công tác giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn đầu
tư... Công tác tham mưu của một số cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh còn
chậm. Việc bố trí, phân công nhiệm vụ tại một số sở, ngành, địa phương
chưa phù hợp. Năng lực tham mưu của một số cán bộ, công chức còn hạn
chế, chưa bảo đảm yêu cầu...
9 nhiệm vụ trọng tâm
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng từ 10% trở lên theo kế hoạch của năm
2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra 9 nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối
năm.
Theo đó, tỉnh sẽ tập trung, quyết liệt, khẩn trương hơn nữa trong công
tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện các chương trình hành động,
kế hoạch, đề án... do Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành. Bảo đảm an toàn
dịch bệnh, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh liên tục. Nâng cao
chất lượng, tạo chuyển biến trong cải cách hành chính, tháo gỡ các điểm
nghẽn, vướng mắc về thủ tục hành chính.
Hải Dương sẽ tập tung triển khai thực hiện các liên kết, hợp tác phát
triển với một số tỉnh, thành phố là Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang...
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công. Thực hiện tốt
chính sách tài chính tiền tệ, đẩy mạnh chương trình kết nối ngân
hàng-doanh nghiệp. Làm tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo,
tạo việc làm. Tăng cường quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, xây
dựng, tài nguyên, khoáng sản và môi trường.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu thực hiện quyết liệt hơn nữa trong công
tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư. Tập trung hoàn thành và
trình thẩm định, phê duyệt quy hoạch tỉnh và các quy hoạch có tính chất
kỹ thuật, chuyên ngành. Tập trung giải quyết hiệu quả các vấn đề bức
xúc như ô nhiễm môi trường, xử lý rác thải sinh hoạt, vi phạm xây dựng
công trình trên đất chuyển đổi. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an
toàn xã hội; tiếp tục củng cố quốc phòng quân sự địa phương...