Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, thời
gian qua, ngành lao động, thương binh và xã hội (LĐTBXH) đã cùng các
cấp, ngành trong tỉnh nỗ lực đổi mới, tạo điều kiện chăm lo kịp thời
người có công (NCC) và thân nhân của họ.
Phân cấp để giảm thời gian thực hiện
Năm 2021, trên cơ sở rà soát, Sở LĐTBXH đã đề xuất và được Chủ tịch UBND
tỉnh ủy quyền giải quyết 5 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực NCC cho
cấp huyện, thời gian thực hiện thủ tục được rút ngắn hơn nhiều so với
trước. Nhờ phân cấp, có địa phương đã thực hiện các chế độ cho NCC chỉ
bằng nửa thời gian so với trước. Nhiều thủ tục hiện nay do người dân
được nộp, trả kết quả trực tuyến nên cũng bớt được chi phí phát sinh và
thời gian nhận kết quả. Chẳng hạn như giải quyết chế độ trợ cấp một lần
đối với người được cử làm chuyên gia sang giúp Lào, Campuchia và thủ
tục hưởng chế độ trợ cấp một lần đối với đối tượng tham gia chiến tranh
bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày
30.4.1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc theo Quyết định số
62/2011/QĐ-TTg ngày 9.11.2011 của Thủ tướng Chính phủ đã được UBND tỉnh
giao cho Sở LĐTBXH thực hiện nên thời gian làm thủ tục chỉ còn khoảng 5
ngày thay vì 10 ngày như khi giải quyết ở cấp tỉnh.
Người dân đến làm thủ tục hành chính liên quan đến chính sách người có
công tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh thuận lợi và dễ dàng hơn
Cùng với phân cấp thực hiện thủ tục hành chính, khi phần mềm quản lý NCC
được áp dụng ở cấp xã đã giúp việc quản lý hồ sơ cũng như nhiều vấn đề
liên quan đến chính sách cho NCC ở các địa phương thuận lợi hơn nhiều.
Sở LĐTBXH cũng nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế trong thực hiện cải
cách thủ tục hành chính và quyết tâm thực hiện tốt hơn công việc này
trong thời gian tới.
Đại diện Phòng NCC (Sở LĐTBXH) cho biết, sở đã xây dựng phần mềm quản lý
hồ sơ NCC. Thông tin hồ sơ NCC đã được cập nhật đầy đủ trên hệ thống,
đồng bộ dữ liệu với kho lưu trữ và phân cấp quản lý đến từng xã, phường,
thị trấn. Trên nền tảng hồ sơ đã được cập nhật vào phần mềm, cán bộ phụ
trách các thủ tục, theo dõi lĩnh vực NCC dễ dàng tra soát khi triển
khai chính sách hỗ trợ của Nhà nước, từ đó thực hiện chế độ với NCC kịp
thời, công bằng. Sở LĐTBXH đang đẩy mạnh thực hiện số hóa dữ liệu lĩnh
vực NCC; ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc; nâng
cao hơn tỷ lệ hồ sơ nộp mức độ 3, mức độ 4; xây dựng mô hình “cơ quan
số” để phục vụ người dân tốt hơn.
Áp dụng chính sách mới kịp thời
Một trong những thay đổi giúp NCC được quan tâm và hưởng những chính
sách của Nhà nước tốt hơn đó là Pháp lệnh Ưu đãi NCC có hiệu lực và áp
dụng vào giải quyết chế độ cho NCC. Đáng chú ý nhất hiện nay chế độ cho
Bà mẹ Việt Nam anh hùng đã được tỉnh chi trả cao hơn 3 lần mức chuẩn
(tương đương với hơn 4,8 triệu đồng/tháng). Nhiều chế độ dành cho thương
binh, bệnh binh, con em gia đình chính sách cũng đã được điều chỉnh
theo pháp lệnh để chăm lo tốt hơn đối với NCC.
Ông Nguyễn Xuân Hiển ở thôn Vô Lượng, xã Thống Nhất (Gia Lộc) cho biết:
“Ngay từ đầu năm tôi đã được cán bộ của địa phương hướng dẫn chi tiết
các thủ tục để hưởng chế độ theo pháp lệnh mới. Điều này thể hiện sự
quan tâm của Đảng, Nhà nước, địa phương đối với NCC”.
Tại kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh vừa diễn ra, quyết định hỗ trợ kinh phí đối
với gia đình NCC với cách mạng về nhà ở trong tỉnh đã được thông qua.
Theo đó, NCC đủ điều kiện sẽ được hỗ trợ 44 triệu đồng để xây nhà mới và
20 triệu đồng để sửa nhà. Từ tháng 8 tới, gần 1.900 gia đình NCC sẽ
được tỉnh hỗ trợ xây và sửa nhà với tổng kinh phí hơn 65 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Thành, thân nhân NCC ở xã Lê Lợi (Gia Lộc) cho biết
chương trình hỗ trợ xây, sửa nhà là chính sách rất ý nghĩa. Nhiều NCC
hiện nay tuổi cao, sức khỏe yếu. Một số thương binh, bệnh binh còn có
con bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, đời sống khó khăn. Vì vậy, sự hỗ
trợ này giúp NCC bớt vất vả hơn, bù đắp phần nào những mất mát, hy sinh
của họ khi dành tuổi trẻ của mình chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc, gìn giữ hòa
bình cho dân tộc.