Ảnh minh họa
Từ nhiều năm qua, bằng những thủ đoạn
vừa công khai, trắng trợn, vừa ngấm ngầm hòng phá hoại, bôi nhọ, công
kích chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương
của Đảng, nền văn hóa mới của dân tộc… đặc biệt trong đó, các thế lực
thù địch lợi dụng vào sự thoái trào ở một số nước chủ nghĩa xã hội
(CNXH) để công kích quá trình xây dựng CNXH ở Việt Nam. Tác phẩm “Một số
vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt
Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là lời khẳng định đanh thép về sự
lựa chọn đúng đắn của Đảng, Bác Hồ và nhân dân đối với con đường đi lên
CNXH ở Việt Nam.
Trả lời cho câu hỏi vì sao Việt Nam lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa
(XHCN), Tổng Bí thư có đề cập đến thực tiễn sau khi mô hình CNXH ở Liên
Xô và nhiều nước Đông Âu sụp đổ dẫn đến sự hoài nghi về con đường đi lên
CNXH, bên cạnh đó là sự chống phá của các thế lực chống cộng và sự dao
động, nghi ngờ ngay trong nội tại hàng ngũ đảng viên của Đảng. Từ đó đặt
ra những vấn đề thực tế có phải hiện nay chủ nghĩa tư bản, kể cả những
nước tư bản chủ nghĩa già đời vẫn đang phát triển tốt đẹp không? Có phải
Việt Nam chúng ta đã chọn con đường đi sai không? Thực tiễn công cuộc
đổi mới, đi lên CNXH ở Việt Nam trong thời gian qua có ý nghĩa gì và đặt
ra vấn đề gì? Để làm rõ nội hàm thực tiễn công cuộc đổi mới, đi lên
CNXH ở Việt Nam, Tổng Bí thư nêu những thành tựu nổi bật trong 35 năm
đổi mới; đồng thời, chỉ ra những khuyết điểm, hạn chế, thách thức trong
quá trình phát triển đất nước.
Trong suốt 35 năm qua với mức tăng trưởng trung bình khoảng 7% mỗi năm;
quy mô GDP không ngừng được mở rộng, năm 2020 đạt 342,7 tỷ USD, trở
thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN. Thu nhập bình quân đầu người
tăng khoảng 17 lần, lên mức 3.512 USD; Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước
có thu nhập thấp từ năm 2008. Đến nay, hơn 60% số xã đạt chuẩn nông
thôn mới. Đặc biệt trong năm 2022, nhất là trong quý III này, hàng loạt
các nước trên thế giới ghi nhận sự mất ổn định của tiền tệ (một trong
những dấu hiệu rõ nét của suy thoái) thì Việt Nam đồng vẫn ổn định, kinh
tế vĩ mô được giữ vững; hàng loạt các định chế tài chính trên thế giới
đánh giá cao sự hồi phục và phát triển mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam…
Từ những thành tựu đổi mới tại Việt Nam đã chứng minh rằng, phát triển
theo định hướng XHCN không những có hiệu quả tích cực về kinh tế mà còn
giải quyết được các vấn đề xã hội tốt hơn nhiều so với các nước tư bản
chủ nghĩa có cùng mức phát triển kinh tế.
Trong bài viết của mình, Tổng Bí thư cũng thẳng thắn chỉ ra những khuyết
điểm, hạn chế cùng những thách thức mới và nhiệm vụ phát triển đất nước
trong thời gian tới. Trong những nội dung ấy, người đứng đầu của Đảng
không né tránh: “Đặc biệt, tình trạng tham nhũng, lãng phí, suy thoái về
tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống vẫn diễn ra trong một bộ phận
cán bộ, đảng viên. Trong khi đó, các thế lực thù địch tăng cường chống
phá, gây mất ổn định, thực hiện âm mưu diễn biến hòa bình”.
Có thể nói, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một tác phẩm có
tính lý luận và thực tiễn cao, vừa sâu sắc ở tầm tư tưởng - lý luận về
CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, vừa là lời khẳng định đanh
thép về sự lựa chọn con đường đi lên CNXH của Việt Nam là hoàn toàn đúng
đắn và thể hiện quyết tâm của Đảng và nhân dân ta trong xây dựng thành
công CNXH ở Việt Nam.
Hiện nay, các thế lực thù địch ráo riết đẩy mạnh hoạt động chống phá các
nước XHCN, trong đó có Việt Nam. Chúng tiến hành chiến lược “diễn biến
hòa bình” với nhiều thủ đoạn chống phá hết sức tinh vi, thâm độc trên
các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực tư tưởng, lý
luận, với mục tiêu nhằm phủ nhận bản chất khoa học, cách mạng, nền tảng
tư tưởng của Đảng, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và thành tựu của sự
nghiệp xây dựng XHCN của Việt Nam trong công cuộc đổi mới.
Trước tình hình trên, việc làm rõ con đường đi lên XHCN ở Việt Nam có
giá trị tư tưởng quan trọng, là cơ sở phản bác một cách thuyết phục,
đanh thép các luận điệu sai trái, thù địch; củng cố niềm tin của nhân
dân vào sự lãnh đạo của Đảng đối với công cuộc đổi mới theo định hướng
XHCN, vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.