Dự Phiên họp có Phó thủ tướng Chính phủ Trần
Hồng Hà; các bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc
Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 4-2024. Ảnh: TTXVN |
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
nhấn mạnh, xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong 3 đột phá chiến
lược, được Chính phủ xác định là một nhiệm vụ trọng tâm. Từ đầu nhiệm kỳ
đến nay, Chính phủ đã dành rất nhiều thời gian cho công tác xây dựng và
hoàn thiện thể chế, tổ chức 25 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp
luật.
Chính phủ đã cho ý kiến, xem xét, thông qua đối với gần 100 đề nghị
xây dựng luật, dự án luật và các nội dung liên quan để trình các cấp có
thẩm quyền; ban hành hàng trăm nghị định, chỉ đạo ban hành các thông tư
để hướng dẫn thi hành các luật.
|
Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 4-2024. Ảnh: TTXVN |
Đây là những nội dung quan trọng, cấp bách nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật,
tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc, vượt qua các khó khăn, thách thức,
khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển, làm mới các động lực tăng
trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như Luật
Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Bất động sản, Luật Nhà ở, Luật
Xuất nhập cảnh, các luật liên quan chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…
Trong bối cảnh khối lượng công việc ngày càng nhiều, yêu cầu chất
lượng ngày càng cao, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành tiếp tục quan tâm
bố trí các cán bộ có trình độ, năng lực và tâm huyết cho công tác xây
dựng và hoàn thiện thể chế; đầu tư cơ sở vật chất, điều kiện làm việc
thuận lợi và có chế độ, chính sách phù hợp với đội ngũ cán bộ làm công
tác này; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan.
Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 4-2024 là phiên họp
thứ 4 của năm 2024 và phiên họp thứ 26 của nhiệm kỳ; xem xét, cho ý
kiến, thông qua đối với 2 nội dung quan trọng để sớm trình Quốc hội và
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến, quyết định để phục vụ
phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng yêu cầu các đại biểu tập trung trí tuệ, tiếp tục tinh thần
đổi mới; trình bày báo cáo, phát biểu ý kiến ngắn gọn, rõ ý, đi thẳng
vào vấn đề; tập trung trao đổi về các vấn đề quan trọng, còn ý kiến khác
nhau cần thảo luận, xin ý kiến Chính phủ; bảo đảm tiến độ, chất lượng
của Phiên họp.
Theo TTXVN