Đồng
chí Phạm Bá Dũng, Cục trưởng Cục Thống kê Hải Dương phát biểu thảo luận
về tăng trưởng kinh tế tại Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Đảng bộ
tỉnh khóa XVII
Nhiều điểm sáng
Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới dự báo thấp hơn năm trước,
tăng trưởng quý I cả nước chỉ đạt 3,32% thì tăng trưởng kinh tế (GRDP)
của Hải Dương đạt 8,35%, cao hơn khá nhiều so với quý 4 năm 2022 (5,8%).
Mức tăng này đứng thứ 9/63 tỉnh, thành phố và thứ 3/11 vùng đồng bằng
sông Hồng. Đây là mức tăng ấn tượng trước bối cảnh khó khăn, phức tạp cả
ở trong và ngoài nước.
Tăng trưởng của tỉnh đạt cao do một số
ngành, lĩnh vực (điểm sáng) tăng cao. Cụ thể, công nghiệp tăng trưởng
10,8% (giá trị sản xuất tăng 12,6%), đóng góp 5,1 điểm % tăng trưởng
chung với nhiều sản phẩm tăng cao, như: sản xuất thức ăn chăn nuôi
(16,3%); mạch điện tử tích hợp (6,9%); máy kết hợp in, quét, copy
(35,6%); ô tô (218,4%); bộ dây đánh lửa ô tô (15,3%); bộ thiết bị điện ô
tô (14,8%); điện sản xuất (12,7%)...
Các ngành dịch vụ tăng trưởng 7,5% (giá
trị sản xuất tăng 7,8%), đóng góp 2 điểm % tăng trưởng chung. Trong đó,
bán lẻ tăng 13,4%; ăn uống tăng 11,8%; vận tải, kho bãi tăng 12,3%; tài
chính, ngân hàng tăng 7,5%; dịch vụ hành chính hỗ trợ tăng 15,8%; vui
chơi và giải trí tăng 25,9%.
Bên cạnh đó, tăng trưởng quý I đạt cao
do còn được hỗ trợ từ hiệu ứng “mức nền thấp”, do quý I/2022 vẫn còn
trong giai đoạn hồi phục sau Covid-19, nhiều ngành lĩnh vực chưa đạt đến
trạng thái sản xuất kinh doanh tốt nhất.
Dự báo tăng trưởng quý II ước đạt 7,6%
Tăng trưởng kinh tế của Hải Dương trong quý II.2023 ước đạt 7,6%, tăng
thấp hơn quý I do hiệu ứng “mức nền thấp” của cùng kỳ năm trước đang dần
mất đi. Đồng thời, một số ngành công nghiệp đang là điểm sáng có thể
tăng chậm lại như: Thức ăn chăn nuôi; linh kiện điện tử; ô tô và phụ
tùng; sản xuất điện do nhu cầu thị trường trong nước yếu đi, thị trường
thế giới chưa được cải thiện.’
Xu hướng trên có thể đi ngược chiều so
với cả nước nhưng cơ bản tăng trưởng của tỉnh trong quý II vẫn sẽ cao
hơn cả nước ở hầu hết các ngành, lĩnh vực. Dự báo tăng trưởng của tỉnh
trong 6 tháng đầu năm sẽ đạt khoảng 8%.
Dù tăng trưởng quý I và dự báo quý II
của tỉnh khá cao nhưng một số ngành, lĩnh vực vẫn tăng thấp (hoặc giảm)
cần tập trung chỉ đạo và có giải pháp kịp thời để tăng trưởng chung của
tỉnh tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao.
Đó là chăn nuôi lợn, gia cầm gặp khó
khăn do giá thịt hơi đang có xu hướng giảm, chi phí đầu vào tăng (thức
ăn, con giống, chi phí phòng dịch…) nhưng giá bán thịt hơi đầu ra chỉ ở
mức trung bình thấp. Do vậy cần có giải pháp hỗ trợ các hộ chăn nuôi để
giảm chi phí, hạn chế rủi ro như: Liên kết, tạo chuỗi chăn nuôi từ giống
- thức ăn - phòng dịch - phân phối đầu ra mới có thể tiếp tục duy trì
quy mô chăn nuôi; hỗ trợ các cơ sở chăn nuôi tiếp cận nguồn vốn vay ưu
đãi.
Hải Dương cũng cần tiếp tục đẩy nhanh
tiến độ lập và thẩm định các quy hoạch; công bố và triển khai các quy
hoạch đã được duyệt; giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp về đầu
tư. Thực hiện vốn đầu tư công đạt 12,8% kế hoạch (trong đó tỷ lệ giải
ngân đạt 8,6%), giảm 2,9% so với năm trước. Vì vậy, cần tăng cường theo
dõi, đôn đốc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.
Thu hút đầu tư (cả trong nước và FDI)
đều đạt thấp và giảm so với cùng kỳ năm trước; quy mô các dự án nhỏ, ít
tác động đến tăng trưởng trong tương lai. Về thu hút FDI, từ năm 2020
đến nay, tỉnh đang dần tụt hạng so với cả nước và với khu vực đồng bằng
sông Hồng (quý I đứng thứ 16 cả nước và thứ 7 đồng bằng sông Hồng). Các
địa phương vượt qua tỉnh gần đây gồm có Quảng Ninh, Hưng Yên, Hà Nam,
Bắc Giang, Long An.
Vì vậy, cần cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn nữa để rút ngắn thời
gian cấp phép đầu tư. Đồng thời, có giải pháp tăng quỹ đất sạch (đẩy
nhanh tiến độ thực hiện các khu công nghiệp, cụm công nghiệp); giải
quyết thiếu hụt lao động phổ thông (hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao
động ở ngoài tỉnh; nâng cao tiện ích y tế, giáo dục; xây dựng nhà ở xã
hội) để thu hút đầu tư.