Hoà
thượng Chân Dung viên tịch ngày 16/7 năm Kỷ Sửu, niên hiệu Vĩnh Thịnh
thứ năm triều Lê Dụ Tông. Ngài là đệ tử của thiền sư Thuỷ Nguyệt, là bậc
cao tăng, thiền sư, quốc sư nổi tiếng trong sự nghiệp hộ quốc an dân.
Vào
giữa thế kỷ XVII, triều đình ngăn cấm đạo Phật, hoà thượng Tông Diễn
quyết chí rời chốn sơn dã về kinh thành dâng biểu cảnh tỉnh, nội dung
ghi lại những điều lợi cho xã hội mà Phật giáo mang lại, coi trọng đạo
Phật quốc gia thịnh trị. Sau khi đọc biểu cảnh tỉnh, nhà vua thấm nhuần
đạo lý, thành tâm sám hối. Vua Lê Hy Tông đặc ban danh hiệu Quốc sư cho
Đệ nhị Tổ Tông Diễn, cho phép ngồi trước vua trong chính điện để bàn
việc chính sự. Thể hiện sự ăn năn của mình, vua Lê Hy Tông cho tạc pho
tượng kép “Phật toạ trên lưng vua” - vua quỳ để Phật ngồi trên lưng, tỏ
lòng thành sám hối. Bức tượng này hiện còn tại chùa Hoè Nhai (Hà Nội) và
được đúc nguyên mẫu tại chùa Nhẫm Dương.
Chùa
Nhẫm Dương được xây dựng từ thời Trần, là trung tâm Phật giáo thời Trần
và Hậu Lê và được bảo tồn, phát huy cho đến ngày nay. Ngoài Đệ nhị Đức
thánh tổ Tông Diễn, nơi đây còn nhiều bậc cao tăng như thiền sư Thuỷ
Nguyệt là tổ đời thứ 36 của phái Tào Động, và là Đệ Nhất Tổ sư thiền
phái Tào Động ở Việt Nam, người khai nguyên chốn tổ Nhẫm Dương.