Hải Dương đã hái “quả ngọt” cho những cố
gắng lớn trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện mô hình bí thư chi
bộ đồng thời là trưởng thôn, khu dân cư (KDC).
- Bài 1: Thành quả sau 6 năm nỗ lực
Ông Nguyễn Văn Ngô (ngoài cùng bên phải), Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Bái
Hạ, xã Toàn Thắng (Gia Lộc) cho biết mô hình “nhất thể hóa” giúp triển
khai mọi công việc ở thôn nhanh hơn trước. Trong ảnh: Ông Ngô tìm hiểu
tình hình sản xuất nông nghiệp trong thôn
Trước Đề án 01, toàn tỉnh Hải Dương
chưa có nơi nào thực hiện mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng
thôn, khu dân cư. Sau 6 năm quyết liệt thực hiện Đề án 01, Hải Dương đã
có gần 95% số thôn, khu dân cư thực hiện mô hình, trở thành một trong
những tỉnh, thành phố điển hình của toàn quốc về công tác này.
Giảm bộ máy, quy trình
Xã Toàn Thắng là địa phương tiêu biểu trong thực hiện mô hình bí thư chi
bộ (BTCB) đồng thời là trưởng thôn của huyện Gia Lộc. Từ năm 2018, địa
phương bắt đầu thực hiện mô hình này ở tất cả các thôn và duy trì đến
nay. Hiện 4 thôn trong xã đều có BTCB đồng thời là trưởng thôn.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Bí thư Đảng ủy xã Toàn Thắng cho biết khi bắt đầu
triển khai mô hình, Đảng ủy xã đã xây dựng kế hoạch chi tiết, giao trách
nhiệm cho từng tổ chức, cá nhân; đồng thời làm tốt công tác tuyên
truyền về Đề án số 01-ĐA/TU ngày 29.8.2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về
sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động hệ
thống chính trị ở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2016-2020 (gọi tắt là
Đề án 01). “Đến nay, chúng tôi đánh giá mô hình có hiệu quả cao. Khi
triển khai mọi công việc từ Đảng ủy, chính quyền xã tới thôn thì nhanh
chóng, thuận lợi, hiệu quả hơn khi mỗi người đảm nhiệm 1 chức như trước.
Tính chủ động, trách nhiệm của BTCB đồng thời là trưởng thôn cao, gắn
bó với công việc hơn trước khi thực hiện mô hình”, ông Phúc chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Ngô làm BTCB, Trưởng thôn Bái Hạ (xã Toàn Thắng) từ tháng
12.2018 đến nay. Theo ông Ngô, mô hình “nhất thể hóa” này giúp triển
khai mọi công việc ở thôn nhanh hơn. Ví dụ, nếu trước đây BTCB, trưởng
thôn do 2 người đảm nhiệm, muốn mở rộng một con đường trục thôn thì quy
trình như sau: Sau khi được xã đồng ý, cần tổ chức họp chi bộ để ra nghị
quyết, giao trưởng thôn xây dựng kế hoạch thực hiện. Sau đó, trưởng
thôn báo cáo tại cuộc họp chi bộ lần 2, chi bộ ra nghị quyết giao trưởng
thôn triển khai thực hiện. Khi “nhất thể hóa” sẽ giảm được 1 cuộc họp
chi bộ. Chỉ cần 1 cuộc họp chi bộ ra nghị quyết giao trưởng thôn thực
hiện luôn, không mất công họp chi bộ lần 2.
Nhiều cán bộ, đảng viên, người dân đều nhận xét BTCB đồng thời là trưởng
thôn, KDC giúp tinh giản bộ máy; giảm bớt một số khâu, thủ tục trong
công tác; triển khai mọi việc nhanh chóng, hiệu quả hơn; phát huy được
vai trò, trách nhiệm cá nhân, khắc phục tình trạng chậm triển khai nhiệm
vụ, không rõ vai trò hoặc đùn đẩy trách nhiệm so với trước.
Ông Đỗ Ngọc Bích, BTCB, Trưởng thôn Phí Thanh Xá, xã Lê Hồng (Thanh
Miện) đảm nhiệm “2 vai” từ năm 2017 đến nay, cho biết mô hình này giúp
phát huy trách nhiệm cá nhân, không phải xin ý kiến nhiều như trước.
Hiện tất cả 7 thôn ở xã Lê Hồng đều có BTCB đồng thời là trưởng thôn. Xã
này đang chuẩn bị bầu trưởng thôn nhiệm kỳ mới. Nguồn nhân sự để bầu
trưởng thôn đều được định hướng sẽ đảm nhiệm chức BTCB sau này.
Theo báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trước khi thực hiện Đề án 01,
toàn tỉnh chưa có địa phương nào thực hiện mô hình. Đến hết tháng 7 năm
nay, toàn tỉnh có 1.263 thôn, KDC thực hiện mô hình, đạt 94,7%. Các
huyện Thanh Miện, Gia Lộc và TP Chí Linh có 100% số BTCB đồng thời là
trưởng thôn, KDC. Nhiều địa phương khác thực hiện mô hình với tỷ lệ đạt
cao hơn mức bình quân của toàn tỉnh là Bình Giang, Cẩm Giàng, Kinh Môn,
Ninh Giang, Nam Sách.
Theo đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban
Tổ chức Tỉnh ủy, Hải Dương là một trong những địa phương điển hình
trong toàn quốc về thực hiện mô hình BTCB đồng thời là trưởng thôn, KDC.
Ông Đỗ Ngọc Bích, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Phí Thanh Xá, xã Lê Hồng (Thanh Miện) báo cáo tình hình của thôn với Đảng ủy xã
Đâu là kinh nghiệm?
Kinh nghiệm đầu tiên là sự lãnh đạo, chỉ đạo tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh tới cơ sở.
Theo ông Phạm Văn Hưng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Gia Lộc, giai
đoạn 2017-2019, huyện có 114/121 thôn, KDC thực hiện mô hình, đạt 94,2%.
Còn 7 thôn chưa thực hiện được, huyện kiên quyết chỉ đạo cử cán bộ,
công chức xã về làm BTCB. Từ năm 2019 đến nay, toàn huyện có tất cả số
BTCB đồng thời là trưởng thôn, KDC. Có kết quả đó là do chỉ đạo kiên
quyết của Ban Thường vụ Huyện ủy và sự vào cuộc tích cực của cấp ủy cơ
sở. Ban Tổ chức Huyện ủy đã làm việc với các Ban Thường vụ Đảng ủy xã,
thị trấn để đôn đốc thực hiện mô hình, yêu cầu ký cam kết, nêu cụ thể
thời điểm thực hiện; nơi nào không làm được sẽ cử cán bộ, công chức ở xã
được quy hoạch chức vụ cao về đảm nhiệm BTCB.
Công tác tuyên truyền, vận động đảng viên, nhân dân thực hiện mô hình
cũng được các nơi coi trọng. Ban đầu, khi triển khai mô hình, một số
đảng viên, quần chúng còn băn khoăn về mục đích, tác dụng của mô hình,
bày tỏ lo lắng liệu 1 người có thể đảm đương được công việc của 2 người
trước kia. Ngay cả một số BTCB đồng thời là trưởng thôn lúc đầu cũng còn
tư tưởng ngại khó. Các cấp ủy, chi bộ đã tăng cường tuyên truyền, giải
đáp các thắc mắc, vận động đảng viên gương mẫu đi đầu, quần chúng ủng hộ
chủ trương mới nên tạo được đồng thuận rộng rãi.
Một kinh nghiệm quan trọng để thực hiện tốt mô hình là cần rút ngắn thời
gian giữa bầu trưởng thôn, KDC và đại hội chi bộ. Trước khi thực hiện
mô hình, có một thực tế là nhiều nơi tổ chức bầu trưởng thôn, KDC trước,
rồi mới tiến hành đại hội chi bộ, bầu BTCB, nhiều nơi làm ngược lại;
thời gian giữa 2 kỳ bầu cử cách xa nhau, có khi đến 1 năm hoặc dài hơn.
Để thuận lợi cho “nhất thể hóa”, nhiều địa phương đã rút ngắn thời gian
tổ chức bầu trưởng thôn, KDC và đại hội chi bộ còn dưới 6 tháng. Sau đó,
thực hiện quy trình là chi bộ chuẩn bị nhân sự đảng viên ứng cử trưởng
thôn, KDC trước, rồi mới tiến hành đại hội chi bộ và giới thiệu đồng chí
trưởng thôn, KDC làm BTCB. Cách làm này được ghi nhận hiệu quả cao.
Mặt khác, cấp ủy phải tìm được đảng viên thực sự tiêu biểu về năng lực,
phẩm chất đạo đức, uy tín trong Đảng và nhân dân để làm được cả 2 nhiệm
vụ. Đồng chí Đồng Dũng Mạnh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch
HĐND huyện Thanh Miện cho biết BTCB và trưởng thôn, KDC đều phải có uy
tín trong dân và trong Đảng. Mấu chốt là chỗ này. Có nơi không tìm được
nhân sự có uy tín cả trong Đảng và trong dân nên thất bại khi thực hiện.
Nhất trí với quan điểm trên, ông Tăng Văn Trượng, Phó Bí thư Thường trực
Đảng ủy xã Thanh Lang (Thanh Hà) cho hay, cấp ủy, chi bộ cần thường
xuyên làm tốt công tác phát triển đảng viên; bồi dưỡng, rèn luyện, giới
thiệu quần chúng ưu tú để kết nạp Đảng. Những người này có thể là nguồn
nhân sự để thực hiện “2 vai” sau này.
Hải Dương còn kịp thời nâng chế độ phụ cấp cho BTCB, trưởng thôn, KDC.
Hiện nay, BTCB, trưởng thôn ở những thôn từ 350 hộ trở lên, thôn trọng
điểm về an ninh, trật tự được nhận mức hệ số phụ cấp là 3,06/tháng
(tương đương 4.559.400 đồng/tháng); thôn dưới 350 hộ và các khu dân cư
thì họ được nhận mức hệ số phụ cấp 1,87/tháng (tương đương 2.786.300
đồng/tháng).