Giá dầu Brent giao tháng 9.2022 giảm
3,42 USD (3%) xuống 109,03 USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ WTI giao kỳ hạn
cũng giảm 4,02 USD (3,7%) xuống 105,76 USD/thùng.
Các thùng dầu thô tại cơ sở của Tập đoàn Năng lượng Vermilion thuộc Canada ở Parentis-en-Born, Pháp. (Ảnh: REUTERS/TTXVN)
Trong phiên giao dịch ngày 30.6, giá
dầu thế giới đã quay đầu giảm sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ
(OPEC) và các đối tác, còn gọi là OPEC+, thông báo sẽ duy trì chính sách
tăng sản lượng dầu đã lên kế hoạch vào tháng tám.
Giá dầu Brent giao tháng 9.2022 giảm 3,42 USD (3%) xuống 109,03
USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ WTI giao kỳ hạn cũng giảm 4,02 USD (3,7%)
xuống 105,76 USD/thùng.
Trước đó cùng ngày, OPEC+ cho biết sẽ bám sát kế hoạch tăng sản lượng
dầu vào tháng tám, nhưng tránh thảo luận về chính sách cho các tháng
tiếp theo.
Trước đó, OPEC+ đã quyết định tăng sản lượng mỗi tháng thêm 648.000 thùng/ngày vào tháng bảy và tháng tám.
Nhà phân tích năng lượng tại trung tâm Commerzbank Research, ông Carsten
Fritsch nhận định rằng việc tăng sản lượng vào tháng tám sẽ đảo ngược
tất cả các đợt cắt giảm sản lượng được thực hiện vào tháng 5.2020, ít
nhất là trên giấy tờ - mặc dù trên thực tế, OPEC + vẫn chưa thể đạt được
điều này.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán Mỹ đã có phiên giao dịch ngập tràn
trong sắc đỏ với 3 chỉ số chủ chốt tại Phố Wall kết thúc tháng sáu và
quý 2.2022 trong xu hướng không mấy tích cực, trong đó chỉ số S&P
500 ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong 50 năm qua.
Khép lại phiên giao dịch, chỉ số S&P 500 giảm 32,58 điểm, tương
đương 0,85%, xuống 3.786,25 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq
Composite để mất 146,95 điểm, hay 1,31%, xuống 11.030,95 điểm. Chỉ số
công nghiệp Dow Jones giảm 219,61 điểm, tương đương 0,71%, và chốt phiên
với 30.809,70 điểm.
Đầu năm 2022, sự ca mắc COVID-19 tăng mạnh do biến thể Omicron. Tiếp
theo sau đó là xung đột Nga-Ukraine, lạm phát ở mức cao nhất trong hàng
chục năm qua và các đợt nâng lãi suất mạnh của Ngân hàng Dự trữ liên
bang Mỹ (Fed). Tất cả những yếu tố này đã làm dấy lên những lo ngại về
khả năng suy thoái kinh tế của nền kinh tế.
Ông Paul Kim, Giám đốc điều hành công ty Simplify ETFs ở New York, nhận
định có vẻ nền kinh tế đang bước vào suy thoái và vấn đề quan trọng giờ
đây là mức độ suy thoái đến đâu.
Chuyên gia này cho rằng khả năng cao kinh tế Mỹ sẽ không thể “hạ cánh mềm.”
Số liệu kinh tế công bố ngày 30.6 tiếp tục khiến dư luận thêm hoài nghi
về sự tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới khi thu nhập khả
dụng giảm, chi tiêu tiêu dùng yếu hơn, trong khi lạm phát vẫn tăng và số
đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng lên.
Cả 3 chỉ số chính trên Phố Wall đều giảm điểm trong tháng sáu và quý 2,
trong đó chỉ số S&P 500 có mức giảm phần trăm mạnh nhất kể từ cuộc
khủng hoảng tài chính.
Tháng sáu cũng khép lại nửa đầu năm với mức giảm phần trăm cao nhất của
chỉ số này kể từ năm 1970. Chỉ số Nasdaq cũng ghi nhận mức giảm phần
trăm lớn nhất từ trước đến nay trong 6 tháng đầu năm, trong khi đây là
nửa đầu năm tồi tệ nhất với chỉ số Dow Jones kể từ năm 1962.
Ngoài ra, đây là quý thứ hai liên tiếp cả 3 chỉ số trên giảm điểm. Lần
gần đây nhất xảy ra điều này là năm 2015 với hai chỉ số S&P 500 và
Dow Jones, và năm 2016 với chỉ số Nasdaq.
Nguồn TTXVN